.

Giá xăng dầu giảm, cước vận tải chưa chịu giảm

.

(ĐNĐT) – Kể từ ngày 9-5 đến nay, đã có tới bốn lần liên tiếp Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đều cho biết, vẫn chưa tính toán tới việc giảm giá cước vận chuyển.

Vì sao chưa giảm cước?

..........................
Giá xăng dầu đã giảm nhưng hiện giá cước vận tải vẫn chưa giảm.

Gần đây nhất, vào ngày 21-6, giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm 300-700 đồng/lít, tuy nhiên tới nay khi được hỏi, nhiều doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hàng hóa ở Đà Nẵng cho biết, vẫn giữ nguyên mức giá cước cũ trước đó. Kể cả trong các đợt giảm giá xăng, dầu ngày 9-5, 23-5 và 7-6, các doanh nghiệp vận tải cũng chưa thực hiện giảm cước với lý do giá dầu DO chỉ giảm được “chút ít” nên chưa thấm vào đâu so với giá cước trên thị trường.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho rằng, do nền kinh tế khó khăn nên việc giảm giá cước chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Hữu Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Song Toàn, thừa nhận đến thời điểm này, công ty vẫn chưa giảm giá cước vận chuyển do trên thị trường các doanh nghiệp trong ngành không giảm.

Theo ông Thùy, thời điểm hiện nay công ty chỉ nhận đơn hàng vận chuyển một chiều từ TP. Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng, còn chiều vào xe chỉ chạy không. “Trước kia mặt hàng nhu yếu phẩm từ Đà Nẵng vào nhiều nên làm ăn tạm được, bây giờ không có hàng vào nên hầu hết xe chạy rỗng tuyến. Do đó phải tính toán sao cho chuyến ra đảm bảo mức cước để bù đắp lại”, ông Thùy cho hay.

Ông tính toán, mỗi chuyến xe chạy từ Đà Nẵng vào TP. Hồ Chí Minh tiêu hao khoảng 300 lít dầu, chi phí này tiêu tốn khoảng 6 triệu đồng, chưa kể những chi phí khác như lương tài xế, ăn uống, chi phí dọc đường…Trong khi đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng không hề giảm, hai đầu vận chuyển bị mất cân đối nên phải giữ nguyên giá cước để bù lại.

“Hiện xe của chúng tôi phải “nằm” ở bãi cả chục chiếc, nên mặc dù rất muốn giảm giá cước thời điểm này để làm ăn thuận lợi nhưng do chi phí lương thực, thực phẩm… chưa giảm nên cũng chưa thể điều chỉnh giá được”, ông Thùy than thở.

Ông Phạm Tân, Giám đốc Công ty vận tải Minh Hương Đà Nẵng, cũng chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp có chi phí vận tải lớn như vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng… đang đối mặt với sự sụt giảm về cầu và hàng tồn kho tăng cao nên họ cũng cắt bớt chi phí cho vận tải… Do đó đa số đơn vị vận tải hàng hóa đều khá vắng khách, công suất vận tải chỉ đạt 40%, thậm chí hàng chục xe còn phải “nằm” bến cả ngày nên chưa thể điều chỉnh giảm giá cước khi giá xăng, dầu giảm.

.....................
Do vắng khách nên công suất vận tải chỉ đạt dưới 50%, thậm chí hàng chục xe còn phải “nằm” bến cả ngày nên chưa thể điều chỉnh giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Toàn, cho rằng giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm nhiều lần, nhưng mức giảm còn nhỏ giọt, nên các công ty vận tải khó tính toán để giảm cước. “Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng chưa thấy khách hàng nào phàn nàn về giá cước”, ông Thành nói.

Về vấn đề này, ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ thành phố Đà Nẵng, cho biết hiện nay nguồn cung quá nhiều so với nhu cầu nên các doanh nghiệp vận tải đều gặp khó khăn. Do đó, khi xăng, dầu đã giảm giá thì các doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh giá cước vận tải, bởi đây là yếu tố tác động trực tiếp đến kinh doanh của doanh nghiệp.

“Khi tăng giá họ cũng đã ngồi lại bàn bạc, thì giờ xăng dầu giảm họ cũng phải tự liên hệ với khách hàng để tính toán sao cho hợp lý. Nếu không sắp tới, việc có thêm một số doanh nghiệp vận tải “chết yểu” trong kinh doanh xảy ra là tất yếu”, ông Hòe nói.

Cước xe khách giữ nguyên, cước taxi sẽ giảm

Trong cùng động thái khi giá xăng dầu giảm, song cước vận chuyển hành khách của các hãng xe khác thì vẫn giữ nguyên, nhưng giá cước taxi đang có xu hướng giảm.

Ông Nguyễn Sự, Giám đốc Công ty Vận tải & Dịch vụ Phú Hoàng (hãng Taxi Tiên Sa), cho biết trước việc giá xăng dầu giảm từ ngày 21-6 vừa qua, hiện công ty đang tính toán và đề xuất lên Hiệp hội Taxi thành phố để thực hiện việc giảm giá cước khoảng 300-500đồng/km cho tất cả các dòng xe. “Dự kiến sẽ thực hiện mức giá cước mới từ ngày 1-7 tới đây”, ông Sự cho hay.

“Lúc xăng tăng nhưng hầu hết các đơn vị vận tải đều cố gắng “gồng” mình chịu đựng chứ không tăng giá vé, nên đến nay giá xăng dầu có giảm thì mức cước vẫn giữ nguyên như trước là điều đương nhiên”, ông Hoàng nói.

Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi thành phố Đà Nẵng, cho biết hiện các hãng taxi trên địa bàn cũng đang tính toán đến việc điều chỉnh giảm giá cước do giá xăng dầu mới giảm vừa qua. Tuy nhiên, ông Nhân cho hay, nếu có giảm cũng chỉ ở mức từ 200-300 đồng/km vì giá xăng dầu vừa qua mới giảm ở mức 700 đồng thì chưa “ăn thua” gì.

“Tính ra thì mức giảm của giá xăng dầu trong nước vẫn chưa tương xứng với mức giảm của xăng dầu thế giới nên hy vọng thời gian tới giá nhiên liệu này sẽ còn tiếp tục giảm. Chúng tôi đang đợi xem động thái này để tính toán rồi điều chỉnh hạ cước taxi một lần vì mỗi lần điều chỉnh tăng hoặc giảm cước thì chi phí cho việc kiểm định đồng hồ tính cước của các đơn vị là khá tốn kém”, ông Nhân nói.

Trong khi đó, tại Bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng, hầu hết các doanh nghiệp vận chuyển hành khách hiện vẫn giữ nguyên mức giá vé như trước đây. Theo lý giải của ông Lê Viết Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phẩn Vận tải và quản lý Bến xe Đà Nẵng, do trước đây khi xăng dầu tăng giá nhưng các đơn vị vẫn không tăng, nên giờ xăng dầu có giảm thì vẫn giữ nguyên.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

 

;
.
.
.
.
.