Theo quy định tại Thông tư 12/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng, thì còn đến 5 tháng nữa (ngày 25-11-2012), các ngân hàng mới hết thời hạn huy động vàng. Nhưng từ lúc này, các mức lãi suất huy động vàng của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm mạnh từ 4,5 - 4,7%/năm xuống còn trên dưới 2%/năm.
Lãi suất huy động vàng giảm mạnh. (ảnh mang tính minh họa) |
Hiện có khoảng 11 NHTM thực hiện nghiệp vụ huy động và giữ hộ vàng, trong đó có 5 ngân hàng được NHNN cho phép bán ra thị trường 40% số vàng đã huy động, các ngân hàng này còn được phép mở tài khoản mua - bán vàng với nước ngoài nhằm cân đối nguồn. Theo số liệu tổng kết vào thời điểm 31-12-2011, nguồn vốn vàng vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng vốn huy động của một số ngân hàng lớn, với khoảng từ 20-26%. Vì vậy, trước khi kết thúc thời hạn theo quy định, một số NHTM tiếp tục huy động vàng qua hình thức nhận giữ hộ vàng có thu phí. Tuy nhiên thời gian gần đây, lãi suất huy động vàng đã đột ngột giảm mạnh và rút bớt cơ cấu kỳ hạn dù đến ngày 25-11 tới mới phải chấm dứt nghiệp vụ này.
Giữa tháng 6, Ngân hàng Á Châu (ACB) lại có biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, ACB tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động chứng chỉ vàng kèm quyền chọn từ mức 1,5%/năm xuống 1%/năm, áp dụng cho cả vàng ACB và vàng SJC. Ở sản phẩm chứng chỉ huy động vàng thông thường, các mức lãi suất từ 1,2 -1,4%/năm đều giảm xuống còn 0,8% và 0,9%/năm. Chính sách thưởng lãi suất 0,2%/năm cho khoản từ 10 lượng vàng trở lên cũng được hủy bỏ. Như vậy, sau khi nâng lên cao nhất 3%/năm hồi trung tuần tháng 2-2012, ACB đã lần lượt hạ lãi suất huy động vàng, rút bớt vàng trong cơ cấu huy động vốn.
Tại Ngân hàng Nam Á (NamABank), lãi suất huy động vàng cũng giảm mạnh cùng với việc rút hẳn cơ cấu các kỳ hạn. Chỉ sau một tháng trở lại huy động vàng, mức lãi suất cao nhất 3,6%/năm tại đây đã rút xuống còn 2%/năm, cơ cấu kỳ hạn từ 1 - 11 tháng chỉ còn từ 1 - 3 tháng. Tại NHTM CP Sài Gòn (SCB), lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng đợt 3-2012 cũng giảm mạnh, chỉ còn từ 2,2 - 2,7%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 11 tháng. Trước đó, lãi suất này ở SCB cao nhất là 3,5%/năm, thậm chí có thời điểm lên tới 4,6%/năm…
Khi NHNN gia hạn phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng vàng một phần cũng do hiện dư nợ cho vay của các NH vẫn còn khá lớn. Đó là chưa kể thời gian qua, có một số ngân hàng huy động vàng rồi chuyển đổi thành tiền đồng hoặc cầm cố vay vốn trên thị trường liên ngân hàng để bù đắp thanh khoản. Vì vậy, vấn đề vàng trong ngân hàng khó có thể giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều. Mặt khác, vàng là một trong những tài sản được dùng để cầm cố khi giao dịch trên thị trường này. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất trong thời gian gần đây cho thấy thị trường vàng đã có sự ổn định nhất định, đồng thời các ngân hàng đã bảo đảm tốt tính thanh khoản cũng như khâu quản trị rủi ro... Đặc biệt, đây là động thái được xem là bước đi hợp lý của các NHTM trong bối cảnh lãi suất tiền đồng, lãi suất trần huy động đã giảm mạnh trong thời gian vừa qua.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN