.
GIÀU LÊN TỪ BIỂN

Bài 2: Năm đời bám biển

.

(ĐNĐT) - Với rất nhiều ngư dân Đà Nẵng, khát vọng bám nghề, bám biển vươn khơi xa truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mặc dù có không ít khó khăn, nguy hiểm rình rập nhưng bằng sự yêu nghề, họ vẫn tìm mọi phương án khắc phục để vươn khơi, bám biển giữ ngư trường, đi lên từ biển.

......
Ngư dân Nguyễn Văn Tiền bên Bằng khen của Thủ tướng trao tặng vì thành tích "tích cực trong công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong cơn bão số 1 (Chanchu) năm 2006”.

Đó là trường hợp của gia đình lão ngư Nguyễn Văn Tiền (sinh năm 1950, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Nói tới ông là mọi người nghĩ ngay tới lão ngư dày dạn kinh nghiệm đi biển và đặc biệt là thành tích trong nghề câu mực xà.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 rộng rãi nằm trên mặt tiền đường Lê Văn Hiến, bên trong nhà treo đầy các bằng khen của Thủ tướng, Chủ tịch nước…về thành tích của mình, ông kể, từ thời cố nội đã làm nghề lênh đênh trên biển mặc dù thời đó các cụ mới có tài sản là những chiếc ghe nhỏ và một vài thuyền thúng.

Tới đời mình, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương với tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Kỷ niệm chương chiến sĩ bị địch bắt tù đày, ông nhận vào làm thuyền trưởng cho một công ty quốc doanh. Năm 2000, ông đóng mới tàu cá ĐNa 90127TS. Hai năm đầu ông hành nghề lưới cản nhưng sau đó chuyển sang nghề câu mực khơi cho tới nay. Tới đầu tháng 12-2011, ông mạnh dạn nâng cấp máy có công suất từ 165CV của mình lên thành 550CV.

Ông nói, nghề câu mực xà thì phải bám biển từ 2 đến 3 tháng mỗi chuyến và với kinh nghiệm bám biển hàng chục năm qua, ông hầu như biết rõ những vùng nào nhiều cá, mực…Hiểu rõ từng vị trí đánh bắt làm sao cho năng suất cao nhất mà vẫn đảm bảo trong lãnh hải của mình. Theo ông, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và Song Tử Tây và đặc biệt là vùng nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường khai thác tốt nhất.

Nhưng ông biết, tình hình ngoài khơi bữa nay nhiều căng thẳng, bởi thi thoảng tổ đội 3 chiếc đi cùng tàu ông hay gặp cả tập đoàn khoảng 20 tàu cá của nước ngoài họ đi sát rạt và họ tranh giành nơi này nên rất sợ phải đụng độ. Vì thế mà bằng kinh nghiệm lão luyện của mình, ông luôn xác định thật chính xác vị trí của mình “để hắn không có cớ gì gây hấn với mình mà yên tâm hành nghề”, ông nói.

Bây giờ đã lớn tuổi nên mỗi năm ông chỉ tham gia một chuyến biển để nắm bắt tình hình ngư trường, tình hình sản xuất. Còn những kinh nghiệm có được hàng chục năm qua, ông đang cố gắng truyền lại cho cậu con trai út Nguyễn Ngọc Thành, hiện đang là máy trưởng trên con tàu này. Ông vui mừng cho biết, mới đây tàu ông được thành phố hỗ trợ một máy Icom tầm xa nên giờ ông có thể yên tâm ở nhà quan sát và điều khiển từ xa tình hình của tàu để giúp đỡ kịp thời.

Còn với nghề lưới vây thì phải nhắc tới đại gia đình gồm 5 anh em trai của ông Trần Văn Vốn (Tổ 9 phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Năm nay mới 39 tuổi nhưng ông Vốn đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm thuyền trưởng.

Ngư dân Trần Văn Vốn tâm sự về nghề. Ông cho biết, cả 5 anh em trai trong gia đình ông đều gắn bó với nghề biển của cha để lại. Ngoài ông thì có 2 anh trai của mình hiện nay cũng đang là thuyền trưởng.
Ngư dân Trần Văn Vốn cho biết, cả 5 anh em trai trong gia đình ông đều gắn bó với nghề biển của cha để lại. Ngoài ông thì có 2 anh trai của mình hiện nay cũng đang là thuyền trưởng.

Nói tới đại gia đình mình, ông Vốn tự hào cho biết, từ đời ông nội đến cha ông đều gắn bó với nghề biển. Tới giờ cả 5 anh em trai đều có gia đình riêng và tất cả đều theo nghề cha. Tới nay trong 5 người thì đã có 3 người làm thuyền trưởng.

Trước kia tàu ông Vốn công suất 60CV nên chỉ hành nghề giã cào, mỗi chuyến kéo dài 1 tuần và khoảng cách xa nhất cũng chỉ cách bờ khoảng 50 hải lý. Nhưng nguồn thủy hải sản gần bờ giờ cũng cạn dần nên không riêng ông mà nhiều tàu khác có mong muốn nâng cấp máy để vươn khơi xa hơn. Năm 2010, ông mạnh dạn nâng cấp máy lên 130CV và tiến xa hơn với ngư trường lớn và gắn bó với nghề lưới vây tới giờ.

Mong tàu có công suất lớn

Điều khó khăn trước nhất là việc giá dầu tăng lên khiến cho chi phí đi biển cũng đội lên nhiều. Đây cũng là sự lo lắng không riêng của bất cứ chủ tàu nào trong thời điểm hiện nay.

Theo ông Tiền, với tàu câu mực thì giá dầu tăng cao trong khi thời gian bám biển lâu dài nên chi phí càng tốn kém. Ông tính, mỗi chuyến đi chi phí ban đầu mất hơn 400 triệu đồng. Trong khi thời gian qua giá mực lại bất ngờ sụt giảm khiến cho thu nhập của những lao động bị ảnh hưởng lớn.

Nghề câu mực mà chỉ cần lỗ một chuyến thì lần sau khó mà kêu được lao động đi cùng nên phải tính toán kỹ. “Cả 30 lao động trực tiếp trên tàu có việc làm thường xuyên, nhưng mỗi lao động này họ còn phải lo cho ít nhất 3-4 người trong gia đình nữa”, ông Tiền trầm ngâm.

Tuy nhiên, ông khẳng định chắc nịch, rằng có khó khăn mấy cũng phải bám biển và sống chết với biển.
Mong muốn lớn nhất của ông cũng như của các tàu câu mực là được quan tâm hỗ trợ cho thỏa đáng về giá dầu. Vì theo ông, mức hỗ trợ tiền dầu 25 triệu đồng/chuyến ra khơi như hiện nay là quá ít và quá thiệt thòi cho tàu câu mực.

Ngư dân Trần Văn Vốn cũng đồng tình về vấn đề này. Bên cạnh khó khăn do giá dầu tăng khiến chi phí cũng tăng, thì vấn đề giữ chân được lao động nghề biển cũng là điều rất đáng phải lo. Bởi nghề này cũng lắm rủi ro nên nhiều lúc lao động họ cũng không yên tâm gắn bó.

“Giờ muốn nâng cấp công suất máy tàu lên hơn nữa thì ít nhất phải có khoảng 600-700 triệu đồng. Nhưng để vay được số tiền đó thì khó khăn quá. Vay ngoài thì lãi suất cao chịu không nổi. Nếu cầm cố nhà đất vay tiền làm cũng được, nhưng sợ đóng tàu lớn xong rồi mà lao động họ mà bỏ biển lên bờ thì nguy to”, ông chia sẻ.

Điều mong muốn của ông cũng như nhiều thuyền trưởng khác là làm sao nhà nước có biện pháp hỗ trợ vay vốn để ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, vì “có máy lớn thì sẽ dễ dàng vươn khơi xa, vừa làm ăn năng suất mà khi có thiên tai thì chạy tránh cũng nhanh hơn”, ông Vốn nói.

Đắc Mạnh – Phương Trà



 

;
.
.
.
.
.