.

Hàng Việt vào chợ

Chợ truyền thống được xem là một kênh phân phối hàng Việt hiệu quả với lượng người tiêu dùng rất lớn. Sau nhiều năm nhường sân cho hàng ngoại giá rẻ, đến nay hàng Việt bắt đầu có niềm tin để vào chợ.  

Chưa chủ động tìm nhau

Không “đánh lẻ” chào hàng như các doanh nghiệp từng làm, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (VNCLC) đã tổ chức hẳn diễn đàn với chủ đề “Tiếp sức hàng Việt - đồng hành cùng tiểu thương chợ truyền thống” cho hàng trăm người buôn bán lâu năm tại các chợ của Đà Nẵng vào giữa tháng 6 vừa qua. Hơn 200 tiểu thương thuộc các chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ đầu mối Hòa Cường đã lắng nghe các đại sứ hàng Việt giới thiệu và chia sẻ những suy nghĩ về hàng Việt. Nhiều chị em đã thể hiện niềm vui khi được nhà sản xuất quan tâm. Chị Trần Thị Diệu Hạnh (ngành hàng khô chợ Cồn) cho biết: “Trước đây, người kinh doanh thấy mặt hàng nào dễ có lời thì lấy về bán. Còn bây giờ dù giá rẻ nhưng chất lượng không tốt thì sẽ cương quyết không lấy. Thật ra hàng Việt dùng cũng tốt lắm, lại an toàn hơn hàng Trung Quốc, chỉ mỗi tội hàng trong nước ít được chào hàng rộng rãi, không có nhiều mẫu mã để lựa chọn”.

Nhắc đến việc lâu nay tại sao các nhà sản xuất không hỗ trợ tiểu thương tham gia trưng bày sản phẩm, chị Châu Thị Huyền (ngành hàng may sẵn chợ Đống Đa) nói: “Lâu nay, chị em chúng tôi tự lấy mối hàng về bán, có khi gặp được sản phẩm tốt, có khi chất lượng chưa tốt. Giá như nhà sản xuất tìm tới chúng tôi một cách chủ động sẽ tốt hơn”. Về điều này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng VNCLC thừa nhận: “Cái dở của doanh nghiệp Việt Nam là không chịu vô chợ. Chỉ cần nhấc điện thoại gọi doanh nghiệp Trung Quốc, 15 phút sau họ có hàng, còn doanh nghiệp mình nửa ngày cũng chưa có. Đừng nói tiểu thương không bán hàng Việt mà do các doanh nghiệp không mang đến”. Mong muốn lựa chọn cho mình những sản phẩm nội địa bảo đảm chất lượng, phù hợp túi tiền, song nhiều người nội trợ không khỏi băn khoăn: Khâu marketing hàng trong chợ còn nhợt nhạt quá!

Xúc tiến đưa hàng Việt vào chợ

Qua khảo sát tại một số chợ, nếu trước đây hàng chế biến sẵn của Trung Quốc, Malaysia tràn lan thì hiện tại hàng Việt chiếm lĩnh hơn 60 - 70%. Cá biệt có những ngành hàng hơn 90% là hàng trong nước như thực phẩm, hóa mỹ phẩm. Từ cái xô, chậu, ca múc nước gây ấn tượng của các công ty Đại Đồng Tiến, Song Long, đến bột giặt, hóa mỹ phẩm Sài Gòn và kể cả hàng quần áo, giày dép thời trang nay xuất hiện nhiều thương hiệu Việt hơn.

Trong buổi trao đổi với các tiểu thương Đà Nẵng, ông Nguyễn Hồng Sinh, Giám đốc kinh doanh khu vực miền Trung Công ty CP Sữa Việt Nam khẳng định: Người dân trong nước ngày càng hiểu, tin và sử dụng hàng Việt. Ngoài việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, chúng tôi cũng luôn chú trọng đến việc hỗ trợ cho tiểu thương về mọi mặt. Đường dây nóng của công ty hoạt động 24/24 giờ nhằm tư vấn cho tiểu thương và người tiêu dùng thông tin mới nhất về sản phẩm. Đối với mặt hàng sữa bột, Vinamilk chiếm tới 30% thị phần, điều này đã minh chứng cho sự thay đổi thói quen mua sắm của người dân trong nước và sự phát triển của doanh nghiệp. Bởi vậy, người dân hãy yên tâm tin tưởng chất lượng sữa nội địa không thua kém gì sữa ngoại nhập.

Xung quanh việc làm sao để hàng Việt vào chợ nhiều hơn, ông Nguyễn Thu, Phó Ban quản lý chợ Cồn đưa ra đề xuất cụ thể: Ban tổ chức chương trình Tiếp sức hàng Việt cần đến từng chợ để quảng bá cho tiểu thương, đồng thời giữa nhà sản xuất kinh doanh, tiểu thương và người tiêu dùng cần gắn kết trực tiếp hơn nữa, chứ không chỉ trên phương tiện truyền thông. Sở Công thương thời gian qua đã tạo điều kiện để mỗi chợ truyền thống của Đà Nẵng có riêng một quầy bán hàng Việt. Tuy sức hấp dẫn chưa cao, nhưng người dân và du khách mỗi khi đến chợ  thấy được tinh thần ủng hộ hàng Việt đang được Bộ Chính trị phát động khá hiệu quả. Ông Lưu Song Hùng, phụ trách kinh doanh Công ty nhựa Chí Thành cho biết: “Sản phẩm mũ bảo hiểm của công ty đã được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận bởi mẫu mã phong phú, giá cả cạnh tranh. Nếu bà con kinh doanh cần, chỉ cần điện thoại, chúng tôi sẽ mang hàng đến tận nơi”.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, kênh phân phối qua các chợ đầu mối lớn trên cả nước đang do các nhà phân phối Trung Quốc chiếm khoảng 40%. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, giá rẻ không phải là yếu tố khiến hàng Trung Quốc thắng thế ở chợ đầu mối mà chính là phương thức quản lý, phân phối thông thoáng. Trong khi đó, thương nhân trong nước ngại rủi ro nên đành chấp nhận bỏ trống mạng lưới chợ truyền thống - điều mà sắp tới đây sẽ được các doanh nghiệp Việt, hộ kinh doanh và nhà quản lý tìm nhiều giải pháp hơn nữa.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.