.

Làm giàu từ biển - Bài 3: Hậu phương vững chắc

.

(ĐNĐT) – Từ đầu năm 2012, lao động và thuyền viên các tàu đánh cá xa bờ có công suất từ 50CV trở lên của Đà Nẵng được thành phố hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm tai nạn với mức 64.000 đồng/thuyền viên trong thời hạn một năm. Trong năm 2012, Đà Nẵng dự kiến sẽ trang bị hệ thống định vị toàn cầu cho 100% tàu cá đánh bắt xa bờ.

Từ hỗ trợ 100% bảo hiểm cho ngư dân...

Ngay sau khi có tin vui này, tại UBND các phường ven biển Đà Nẵng, ngư dân phấn khởi và đến rất đông đăng ký để được hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn trên biển.

Ngư dân phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đăng ký để được hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn trên biển.
Ngư dân phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đăng ký để được hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn trên biển.

Ngư dân Nguyễn Sanh (49 tuổi, trú tổ 5A), chủ tàu cá ĐNa-90228, công suất 100CV đến đăng ký tại UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) nói: “Chừ được thành phố hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm rồi, cả tàu ai cũng phấn khởi. Các thủ tục đều đã xong cả, chờ vài ngày nữa là nhận bảo hiểm”.

Tàu của ông Sanh có 9 thuyền viên hành nghề lưới rê, mực xà... lênh đênh trên biển hàng tháng trời thu về mỗi đợt hàng chục tấn hải sản.

“Tụi tui chuyên đánh bắt xa bờ khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa nên cũng khá nhiều rủi ro như thiên tai, chạm tàu nước ngoài. Giờ có bảo hiểm này thì đỡ lo nhiều rồi”, ông Sanh nói.

Ngư dân Lương Mãi, chủ tàu cá ĐNa-90441TS, công suất 280CV hồ hởi: “Nghe tin được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, bọn tui đến đăng ký liền. Dù số tiền được hỗ trợ không nhiều nhưng ai cũng vui vì được thành phố quan tâm”.

Ông Đinh Văn An, Phó chủ tịch UBND phường Thọ Quang, cho biết, ngay khi nghe thông báo về việc hỗ trợ mua bảo hiểm, ngư dân rất ủng hộ và lập tức tới đăng ký.

“Các chủ tàu có thể mua bảo hiểm trọn gói theo số lượng thuyền viên trên tàu hoặc mua bảo hiểm cho từng thuyền viên, nhưng đa số họ đều chọn hình thức thứ nhất. Chúng tôi xác nhận xong, ngư dân sẽ cầm đơn đến Chi cục Thủy sản thành phố, chờ vài ngày là được nhận bảo hiểm”, ông An nói.

Theo số liệu thống kê, hiện thành phố có khoảng 300 tàu cá có công suất từ 50CV trở lên với hơn 3.000 lao động làm việc trên các tàu.

Từ năm 2012, lao động và thuyền viên các tàu đánh cá xa bờ của Đà Nẵng có công suất từ 50CV trở lên sẽ được thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm tai nạn với mức 64.000 đồng/thuyền viên trong thời hạn một năm. Đây là loại hình bảo hiểm cho trường hợp thương tích, không may gặp nạn trên biển. Trong các trường hợp xảy ra tai nạn, ngư dân sẽ được nhận mức bồi thường cao nhất 20 triệu đồng/thuyền viên.

Ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Hiện trên toàn thành phố đã có hàng trăm ngư dân đăng ký để được hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn. Dự kiến, việc hỗ trợ này sẽ được giải quyết xong trước mùa mưa bão năm nay”.

Cũng theo ông Phó, còn một số ngư dân chưa đến đăng ký hỗ trợ vì vẫn còn sử dụng bảo hiểm đã mua của năm ngoái chưa hết hạn. “Trước mắt, thành phố chủ trương hỗ trợ cho các tàu công suất trên 50CV. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất thành phố hỗ trợ những tàu có công suất từ trên 30CV để khuyến khích ngư dân ra khơi đánh bắt xa bờ”, ông Phó cho hay.

... đến trang bị hệ thống định vị toàn cầu cho tàu cá

Năm 2011, Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn trong khai thác hải sản, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp chỉ tăng 4,5%, sản lượng khai thác hải sản giảm 1,4%. Bên cạnh đó, những hiểm nguy, rủi ro từ nghề biển cũng là nguyên nhân khiến một số ngư dân đã không còn mặn mà với việc ra khơi. Theo ông An, riêng ở phường Thọ Quang, số lượng tàu thuyền năm qua giảm đi rõ rệt do một số phương tiện làm ăn không hiệu quả và thiếu nhân công lao động.

Lắp đặt hệ thống định vị trên tàu cá của ngư dân. Ảnh: ĐNĐT/N.C
Lắp đặt hệ thống định vị trên tàu cá của ngư dân (Ảnh: ĐNĐT/NC)

“Sự quan tâm của thành phố khiến ngư dân tụi tui yên tâm và càng thấy rõ trách nhiệm của mình không chỉ vì mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền”, ngư dân Hồ Quang (quận Thanh Khê) bộc bạch.

Ngoài việc hỗ trợ này, thành phố Đà Nẵng cũng còn có nhiều chính sách khác như: Đào tạo miễn phí cho hơn 1.000 máy trưởng, thuyền trưởng; hỗ trợ 700.000 đồng/ngư dân học các lớp nâng cao trình độ; trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh cho ngư dân với chi phí 28 triệu đồng/máy giúp ngư dân liên lạc tốt với cự ly hơn 500 hải lý, có thể chịu được rung lắc trong điều kiện thời tiết xấu có sóng to gió lớn…Hiện có 4 tàu cá của Đà Nẵng gồm: ĐNa-90406TS; ĐNa-90369 TS; ĐNa-90323TS và ĐNa-90127TS được lắp đặt thử nghiệm.

Với hệ thống máy Vertex Standard VX - 1700, công suất 125W, tần số 500kHz – 29.9999 MHz, tàu thuyền ngư dân có thể liên lạc tốt ở cự ly hơn 500 hải lý. Hệ thống này sẽ kết hợp với trạm thu phát trong bờ, có chức năng định vị bằng vệ tinh GPS được tích hợp trong máy trang bị ngư dân để xác nhận vị trí đánh bắt, khai thác, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

Ông Hồ Phó cho biết: “Việc thay thế máy Icom bằng hệ thống định vị toàn cầu, góp phần tạo thuận lợi cho việc vươn khơi, nhất là công tác xác nhận địa điểm đánh bắt ngoài khơi”. Dự kiến trong năm 2012, hệ thống này sẽ được lắp đặt tại tất cả các tàu cá của ngư dân Đà Nẵng.

 

Đắc Mạnh – Phương Trà

 

;
.
.
.
.