.
Làm giàu từ biển

Bài 4: Ưu tiên đóng mới tàu cá công suất lớn

.

(ĐNĐT) - Lãnh đạo Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, đang đề xuất hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư để ngư dân có thể đóng mới tàu có công suất từ 400 CV trở lên để vươn khơi, làm giàu từ biển.

Trao đổi với Đà Nẵng Điện tử, ông Hồ Phó, Phó giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn, đưa tổng công suất tàu cá Đà Nẵng lên 30.000 CV, đồng thời đầu tư đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 5 - 10 chiếc có công suất 800 – 1.000 CV/chiếc, cung cấp nguyên, nhiên liệu và thu mua sản phẩm ngay trên biển, khắc phục khâu yếu trong việc bảo quản hiện nay.

Ông Hồ Phó, Phó giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng
Ông Hồ Phó, Phó giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng

* Tác động của những chính sách hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng đến ngư dân trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

- Sau một loạt các động thái hỗ trợ, từ đầu năm đến nay, số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ bước đầu phát triển, 3 tháng đầu năm, ngư dân đóng mới thêm 7 chiếc, có nhiều chiếc trên 90CV, đặc biệt là tàu của ông Trần Mười với công suất 948CV. Điều đó chứng minh các chính sách đã tác động đến người dân giúp họ phấn khởi vươn khơi.

Đặc biệt, với những ngư dân gặp rủi do, thành phố đều có chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Chẳng hạn mới đây, thành phố đã hỗ trợ cho tàu cá bị cháy của ông Lê Văn Lô (tổ 26, Phường Thanh Khê Đông), chủ tàu cá ĐNa-90151TS 200 triệu đồng. Dù số tiền không nhiều so với thiệt hại nhưng đã động viên kịp thời cho ngư dân, giúp họ yên tâm bám biển.

* Ngư dân muốn đóng mới tàu có công suất lớn nhưng khó khăn nhất hiện nay là thiếu vốn. Để họ vươn ra khơi xa, bám biển thì phải chăng cần có nhiều hơn nữa những sự ưu đãi này?

- Chúng tôi đang đề xuất hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư để ngư dân có thể đóng những tàu mới có công suất từ 400 CV trở lên, đồng thời với việc mua ngư lưới cụ, trang thiết bị… Đề xuất này hiện đang chờ thành phố xem xét, phê duyệt. Bên cạnh đó, cũng phải cân nhắc kỹ các đối tượng được hỗ trợ vay để sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả.

*  Một thực tế nhiều năm qua cho thấy, tỷ lệ thất thoát sau khai thác trong ngành ngư nghiệp còn cao, ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Đúng là còn cao, nhưng hiện chưa có con số chính xác. Mô hình bảo quản sản phẩm đã được triển khai tại Đà Nẵng, tuy nhiên do kinh phí còn hạn hẹp nên chủ yếu là để định hướng và mang tính khuyến khích ngư dân.

Một thực tế là ngư dân mình thực hiện bảo quản sản phẩm còn chậm, yếu, chưa quan tâm nhiều đến việc này. Hai tỉnh bạn là Quảng Ngãi, Bình Định hiện lại làm rất tốt khâu bảo quản sản phẩm, đó là điều ngư dân chúng ta cần hướng đến. Chúng tôi đã từng đưa cán bộ kỹ thuật của nhà máy đông lạnh xuống tập huấn cho ngư dân tại hầm ướp cá nhưng ngư dân làm được vài bữa rồi thôi, không duy trì lâu dài. Nếu làm tốt khâu này thì giá trị sản phẩm tăng 20-30%, giá thành sẽ cao hơn.

Hiện chỉ có cách bảo quản sản phẩm bằng cách ướp cá tươi. Tàu cá của ngư dân mình còn nhỏ nên không thể đưa máy đông lạnh xuống được. Muốn làm được phải cải tiến đội tàu, tàu lớn và đóng bằng vật liệu chắc chắn hơn. Mặt khác, đội tàu của mình hiện nay vỏ cũ kỹ nên bảo quản còn hạn chế, chất lượng chưa cao, bán giá thấp cũng là điều dễ hiểu.

* Phải chăng chưa có đơn vị tập trung thu mua nên ngư dân bị đầu nậu ép giá?

- Hiện chúng tôi đang khuyến khích việc cho ra đời tàu mẹ để cung ứng hậu cần nghề cá. Tàu mẹ chuyên ra biển để thu mua, chuyên chở sản phẩm về, đồng thời cung cấp nguyên liệu, thực phẩm giúp tàu đánh cá bám biển được dài ngày.

Vừa qua, ông Lê Mến (tổ 16, Phường Thuận Phước, Quận Hải Châu) đã đóng xong chiếc tàu hậu cần nghề cá thứ hai công suất lên đến 1.200CV, ngoài chiếc ông đã có trước đó. Bên cạnh đó, chợ đầu mối trong tương lai sẽ thành chợ bán đấu giá nhưng hiện chưa làm được mà chỉ vận động các doanh nghiệp để người ta mua, thuận mua vừa bán.

Điều cốt yếu nhất vẫn là làm thế nào để người dân đừng phụ thuộc quá nhiều vào đầu nậu thì sẽ tránh việc bị ép giá. Nhà nước có thể can thiệp bằng các chính sách để đời sống ngư dân khá lên, không phải vay nóng của đầu nậu nữa.

* Vậy theo ông, làm thế nào để thời gian tới phát triển mạnh hơn nữa kinh tế biển, góp phần giữ vững chủ quyền trên biển?

Thành phố
Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi.

- Với mục tiêu trở thành trung tâm nghề cá mạnh của miền Trung và cả nước, có mức tăng trưởng cao về giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ 14 – 15%/năm, thành phố Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, hạn chế tối đa vùng ven bờ, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Cụ thể, phát triển nhanh số lượng tàu cá công suất lớn và cải hoán nâng cấp tàu cá công suất nhỏ để vươn khơi. Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề để có đội ngũ lao động khai thác có sức khỏe, có trình độ để đương đầu với sóng to gió cả, có thể làm chủ các phương tiện đánh bắt hiện đại.

Đẩy mạnh việc hình thành các đội tàu cùng nghề từ 10 - 15 chiếc/đội để hỗ trợ nhau khai thác trên biển; đầu tư đóng mới 130 - 150 tàu có công suất từ  200 CV/chiếc trở lên và cải hoán nâng cấp ít nhất 800 tàu cá có công suất nhỏ, đưa tổng công suất tàu cá Đà Nẵng lên 30.000 CV. Đầu tư đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá từ 5 - 10 chiếc có công suất từ 800 – 1.000 CV/chiếc, cung cấp nguyên nhiên liệu và thu mua sản phẩm ngay trên biển, khắc phục khâu yếu trong việc bảo quản hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng cần hiện đại hoá hệ thống thông tin hỗ trợ ngư dân trên biển để góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Đắc Mạnh-Phương Trà

;
.
.
.
.
.