Nhằm đáp ứng nhu cầu cá giống cho gần 500ha ao hồ trên địa bàn, năm 2004, Sở NN&PTNT thành phố xây dựng Trại cá giống tại thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương (Hòa Vang), quy mô 1,9ha, bao gồm 10 ao nuôi và các bể cho cá đẻ bằng phương pháp tiên tiến, khu vực ương nuôi cá giống… tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng. Từ khi đi vào hoạt động (2005) đến năm 2011, trại do Trung tâm Giống Nông nghiệp Đà Nẵng quản lý. Năm 2011, trung tâm này giải thể, trại và 2 cán bộ, nhân viên tại đây chuyển giao cho Trung tâm Khuyến ngư- nông-lâm. Từ đó đến nay, biên chế và sản xuất ở trại không có gì thay đổi. Anh Hứa Thành Công, người được giao quản lý trại, tự tổ chức sản xuất bằng cách mua cá bột từ các trại giống ở nơi khác về ương nuôi rồi bán lại cho nông dân, mỗi năm chừng 400-500 nghìn con, trong khi công suất theo thiết kế của trại 3 triệu con/năm.
Anh Hứa Thành Công bên các bể cho cá đẻ chưa một lần sử dụng. |
Trại cá giống Hòa Khương được đầu tư xây dựng bài bản đang rất lãng phí. Các bể cho cá đẻ theo phương pháp tiên tiến chưa một lần sử dụng. Khu vực ương nuôi cá giống không sử dụng, đang xuống cấp nghiêm trọng. Các bờ ao mọc đầy cỏ. Hiện tại, một số ao đang thả nuôi cá bố mẹ và ương cá giống số lượng không nhiều. Theo anh Hứa Thành Công, với biên chế như hiện nay, bảo vệ trại an toàn đã khó nói chi tổ chức sản xuất hiệu quả. Anh thuê thêm người cùng làm và tự trả lương cho họ, cũng chỉ ương nuôi cá rô phi đơn tính.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm nhu cầu cá giống thả nuôi trên địa bàn thành phố khoảng 4 triệu con. Người nuôi phải vào các cơ sở sản xuất cá giống ở Quảng Nam, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh mua về. Ông Nguyễn Trí, chủ nhiệm CLB nuôi cá thôn Nam Thành, xã Hòa Phong (Hòa Vang), cho biết: Bà con phải vào Bình Định mua giống về, giá thành cao, chất lượng cũng bị ảnh hưởng vẫn phải chấp nhận. Gần 30 hộ ở CLB này, mỗi năm cần hơn 1 triệu con giống, chủ yếu là cá điêu hồng và trê lai.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông- lâm thành phố không phủ nhận thực trạng trại cá giống Hòa Khương đang rất lãng phí. Ông cho biết, có 2 khó khăn khi triển khai sản xuất, đó là vốn lưu động và người có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với lĩnh vực này. Vì vậy, từ ngày trung tâm quản lý trại đến nay chỉ tổ chức sản xuất cầm chừng. Vừa qua, trung tâm đã đề xuất Sở NN&PTNT phương án giải quyết là có thể cho người hoặc đơn vị có chuyên môn cao và năng lực tài chính thuê sản xuất giống. Nếu trung tâm trực tiếp tổ chức sản xuất thì phải được đầu tư vốn để nâng cấp trại và mua giống bố mẹ chất lượng cao, thức ăn cho cá…
Kéo dài tình trạng này lãng phí càng lớn, các hạng mục đã đầu tư sẽ xuống cấp, trong khi khó khăn về giống cá của nông dân chậm khắc phục. Với cơ sở sản xuất cá giống được đầu tư rất cơ bản như Trại Giống cá Hòa Khương, thiết nghĩ Sở NN&PTNT Đà Nẵng cần có giải pháp thích hợp, sớm sản xuất nhiều giống cá chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thả nuôi của nông dân.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU