.

Lo với giá điện

.

Về cơ bản, điện chiếm khoảng từ 3-7% (một số ít DN có thể cao hơn) trong giá thành đối với ngành sản xuất công nghiệp. Việc thay đổi giá điện, chủ yếu theo xu hướng ngày càng tăng, là một trong những nguy cơ bất ổn nhất đối với sản xuất hiện nay, đặc biệt đối với các ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp như: dệt may, da giày, chế biến hải sản và những ngành có hàm lượng chất xám chưa cao.

Duy tu, sửa chữa đường dây của ngành Điện khá tốn kém.
Duy tu, sửa chữa đường dây của ngành Điện khá tốn kém.

Các ngành sản xuất này có đặc thù là thời gian từ khi nhận được đơn hàng đến khi giao hàng rất ngắn, có khi chỉ vài tuần. Vì vậy, ngay sau khi nhận đơn hàng, đơn vị phải tổ chức sản xuất, thậm chí phải sản xuất 3 ca mới kịp tiến độ. Nếu đơn hàng nhiều thì chắc chắn trong thời gian sản xuất sẽ có tháng vượt chỉ tiêu điện như đã ký với ngành Điện từ đầu năm. Thêm vào đó, giá điện là khoản chi phí bắt buộc, rất khó tiết kiệm trong giá thành sản phẩm vì hiện nay doanh nghiệp (DN) chưa có nguồn năng lượng thay thế. Do vậy, giá điện tăng cũng đồng nghĩa với lợi nhuận của DN giảm. Trung bình mỗi cơ sở dệt may có từ 300 công nhân trở lên, mỗi năm chi phí tiền điện khoảng vài tỷ đồng. Thời điểm khó khăn, có DN chi phí tiền điện cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận cả năm. Từ nhiều năm qua, tiết kiệm điện từ việc tổ chức hợp lý sản xuất và đổi mới công nghệ, thiết bị đã được các DN đặc biệt quan tâm, nhưng do khó khăn về tài chính nên nhiều DN vẫn phải sản xuất bằng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng. Vì vậy, việc tăng giá điện luôn là vấn đề nan giải của DN.

Giám đốc một công ty trong ngành Dệt may cho biết, việc tổ chức sản xuất ca 3 (từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau) để được hưởng lợi về giá điện thấp đối với các DN là điều không thể, vì người lao động chủ yếu là nữ, khó có thể đi làm nhiều đêm liên tục. Thêm vào đó, việc sản xuất ca 3 còn gây ra nhiều hệ lụy khác: tỷ lệ sản phẩm hỏng cao, tiêu hao nguyên liệu lớn…, và cuối cùng là giá thành tăng, lợi thế cạnh tranh giảm. Một thực tế là giá điện từ trước đến nay chỉ tăng (ít nhất 1 lần/năm), không giảm, đặc biệt thời gian tăng thường không được báo trước, nên gây rất nhiều khó khăn cho DN khi xây dựng giá thành, giá bán. Những đơn hàng đã ký với giá thành cũ (tính giá điện cũ) chắc chắn sẽ bị lỗ, trong khi giá của một đơn hàng, nhất là hàng xuất khẩu phải được ổn định ít nhất 6 tháng. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII vừa qua, rất nhiều ý kiến của các đại biểu là doanh nhân tập trung góp ý vấn đề này cho dự thảo Luật Điện lực.

Tại các cuộc phỏng vấn, các cuộc họp liên quan đến giá điện, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều biện luận cho việc tăng giá điện với điệp khúc là giá điện vẫn thấp hơn giá thành, kể cả sau khi tăng giá. Dư luận đặt câu hỏi giá thành điện hiện là bao nhiêu; giá điện sản xuất từ thủy điện là bao nhiêu; giá mua điện là bao nhiêu; và đặc biệt, giá điện đúng hiện nay là bao nhiêu. Chính vì sự không minh bạch trong việc công bố giá thành sản xuất điện, nên cứ sau mỗi lần tăng giá với cách lý giải như trên của EVN đã gây bức xúc trong nhân dân và khó khăn cho kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, ngành Điện cũng có khó khăn nhất định. Giá điện hiện vẫn thuộc sự quản lý của Nhà nước, nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào ngành Điện chiếm tỷ trọng chi phối. Mặt khác, điện là vật tư, nguồn năng lượng thiết yếu đối với sản xuất, sinh hoạt nhằm bảo đảm an ninh, trật tự xã hội của cả nước, nên phải có sự thống nhất quản lý của Nhà nước. Việc tăng giá điện do Chính phủ quyết định, EVN chỉ tham mưu, đề xuất. Đồng thời, việc đầu tư để phát triển nguồn điện và hệ thống phân phối rất lớn, cũng cần phải thu hồi vốn để phát triển. Ngoài ra, điện là sản phẩm đặc thù, quá trình sản xuất cũng đồng thời với quá trình tiêu dùng. Điện không thể nhập kho, tích trữ, nên việc tính toán để sản xuất điện sao cho hợp lý cũng là khó khăn rất lớn đối với ngành Điện. Vậy nhưng, trong khi chờ thị trường hóa giá điện, ngành Điện cũng nên có kế hoạch và thông báo rộng rãi lộ trình điều chỉnh giá điện, tạo điều kiện cho DN chủ động trong việc tổ chức sản xuất và phát triển sản xuất, hạn chế thấp nhất đến việc tăng giá bất ngờ và tăng giá nhiều lần trong thời gian ngắn.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

 

;
.
.
.
.
.