.

Người dân nói về quy định cấm bán xăng trái phép

.

Trước thông tin thành phố Đà Nẵng vừa có chủ trương cấm các điểm buôn bán xăng dầu trái phép trên địa bàn, phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn nhanh một số người dân về vấn đề này.

* Chị Đỗ Thị Hiền, 28 tuổi, chủ cửa hàng bán sim điện thoại, quận Sơn Trà:

Cần thiết lập đường dây nóng

Khi nghe thông tin thành phố sẽ siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu, chúng tôi rất mừng. Đọc Báo Đà Nẵng, chúng tôi mới giật mình bởi nhiều lần đổ xăng dọc đường dù chưa đến mức hư xe nhưng cũng có trục trặc, ảnh hưởng đến công việc. Trong thời buổi khó khăn vì vật giá tăng cao, sự gian lận, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như xăng dầu, khiến chúng tôi hết sức bức xúc.

Nên chăng, các cơ quan chức năng lập ra đường dây nóng để người dân nếu phát hiện bán xăng dầu trái phép ở đâu thì báo để xử lý ngay và đăng lên báo, đài để người tiêu dùng biết và “tẩy chay” những nơi bán hàng không bảo đảm chất lượng, kinh doanh trái phép.

* Bà Lê Thị Giỏi, ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu:

Cần giải quyết tận gốc vấn đề

Những cá nhân vi phạm nghiêm trọng về kinh doanh xăng dầu như bà Hà (báo đã nêu) cần phải bị xử lý thật thích đáng để làm gương cho những người khác. Xăng dầu không chỉ là hàng hóa bình thường, mà còn liên quan tới tính mạng của người sử dụng nếu chẳng may mua nhầm xăng “dỏm”.

Điều chúng tôi thắc mắc là việc kinh doanh gian lận của bà Hà diễn ra nhiều năm như vậy mà chính quyền địa phương “không nghe, không thấy, không biết”. Có thể không chỉ có bà Hà mà nhiều cơ sở cung cấp xăng dỏm vẫn còn trên địa bàn thành phố mà chưa bị phát hiện. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần phải giải quyết tận gốc vấn nạn này để đem lại niềm tin cho nhân dân.

* Anh Đào Thanh Phong, phụ bếp nhà hàng, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu:

Lợi ích của người tiêu dùng phải đặt lên trên

Gần nhà tôi có một chị hoàn cảnh khó khăn phải hành nghề bán nước mía kèm theo bán thuốc lá, kẹo và xăng lẻ. Tôi biết hằng ngày chị lấy xăng từ những người bỏ mối lẻ không rõ nguồn gốc. Để có lời, chị phải bán với giá cao hơn từ 3 - 5 nghìn đồng/lít cho những khách vãng lai đi xe máy không may hết xăng giữa chừng.

Khi tôi hỏi sao chị không lấy xăng từ các cây xăng lớn, chị nói rằng lấy ở đó bán lại không lời bằng lấy của người khác, lại phải mất công đi chở. Không cần tìm hiểu thêm thì hầu như cả xóm ai cũng hiểu vì sao lấy xăng từ tư nhân lại có lời hơn? Tôi cho rằng, các hoạt động buôn bán xăng dầu lậu cần phải nghiêm cấm, loại trừ mới mong thị trường được ổn định, an toàn.

* Bà Võ Thị Hiếu, 75 tuổi, phường Thanh Bình, quận Hải Châu:

Nên xây dựng thêm điểm bán xăng

“Tôi bán xăng lẻ đã 4 năm nay rồi. Tôi bán hàng tạp hóa, thấy người lỡ độ đường có nhu cầu mua xăng nhiều nên bán kiếm thêm ít đồng. Xăng ở đây tôi mua tại cây xăng về bán lại kiếm lời vài ngàn đồng/lít.

Từ trước đến giờ tôi chưa nghe quy định cấm bán xăng lẻ. Nếu bây giờ thành phố cấm thì tôi cũng không bán nữa. Tôi nghĩ thành phố nên xây dựng thêm nhiều cây xăng bởi nhu cầu của những người lỡ độ đường mà hết xăng khi còn xa mới đến cây xăng khá nhiều”.

 

DUYÊN ANH - KIM NGÂN (ghi)

;
.
.
.
.
.