.

Nhức nhối nạn buôn bán xăng, dầu lậu

.

Trong khi hàng loạt các vụ cháy xe xảy ra tại Đà Nẵng và trên cả nước gây bức xúc trong dư luận với nghi can chính là do xăng “dỏm” thì hằng ngày, tình trạng mua bán xăng, dầu lậu vẫn tồn tại ngang nhiên khiến người tiêu dùng đặt dấu hỏi về vấn đề quản lý?
 

Một điểm bán xăng lẻ không rõ nguồn gốc trên đường Ông Ích Khiêm.
Một điểm bán xăng lẻ không rõ nguồn gốc trên đường Ông Ích Khiêm.

Hiểm họa từ xăng vỉa hè

Dạo quanh một vòng thành phố Đà Nẵng, ở nhiều tuyến đường, cứ đi một đoạn lại thấy vài chai nhựa đựng chất lỏng giống như xăng được bày bán trên vỉa hè cạnh tiệm sửa xe đạp, quầy bán thuốc lá hay quán giải khát. Sáng 2-6, chúng tôi dừng xe máy trên đường Hải Phòng tại một điểm bày bán thứ chất lỏng này, khi hỏi mua, bà chủ hồ hởi: “Em mua xăng đi, xăng A95 hẳn hoi, đó em có thấy màu vàng không?”. Đưa ra chai nhựa không nhãn mác đựng thứ dung dịch có màu vàng nhạt, bà bảo: “Ở đây chị bán có 27 ngàn đồng/lít thôi đó, mua vào đã 24 rồi, lời vài ngàn bạc thôi”. Khi được hỏi mua xăng ở đâu về bán, bà có vẻ cảnh giác: “Ừ thì người ta chở cả can xăng đến bỏ mối cho chị. Chị cũng không biết họ ở đâu đến, cứ hết hàng là điện họ tới liền”. Bởi không biết nguồn gốc nên chất lượng bà cũng mù tịt, chỉ biết dung dịch có màu vàng là xăng A95, màu xanh là xăng A92 (?!).

Nguyễn Văn Hưng (SV Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng) nhớ lại: “Hôm vừa rồi, khi đang đi trên đường Nguyễn Tất Thành thì xe hết xăng. Ngặt nỗi gần đó không có cây xăng nào nên tôi phải mua xăng bên vệ đường với giá “cắt cổ” 30.000 đồng/lít. Tuy nhiên, khi đi được 2km thì xe chết máy, vào tiệm sửa xe mới biết là xăng có vấn đề. Đúng là tiền mất tật mang”. Hưng kể, hôm đó bị muộn học vì phải chờ hút hết xăng trong bình ra, rồi sửa đường ống dẫn của xe.

Tháng 12 năm ngoái, ở Đà Nẵng đã xảy ra 2 vụ cháy xe máy vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Dư luận cho rằng, không loại trừ nguyên nhân do xăng “dỏm”. Đó là vụ cháy xe của chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (21 tuổi, quê Quảng Nam) khi vừa ra khỏi phòng trọ tại hẻm K104/27 Lê Đình Lý (quận Hải Châu), và đứng để chờ bạn. Còn ông Lê Vĩnh T. (53 tuổi, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) đang điều khiển xe máy chạy trên đường Ngô Quyền từ quận Ngũ Hành Sơn về hướng quận Sơn Trà thì một số người đi đường phát hiện dưới yên xe  bốc khói và ngọn lửa bùng lên nên hô hoán. Ngày 7-3 vừa qua, anh Nguyễn Trần Quang Minh (trú quận Thanh Khê) điều khiển xe Attila BKS 43 D1-059.32 từ cầu Mân Quang hướng lên cầu Thuận Phước thì bất ngờ xe bị bốc cháy dữ dội.

Cứ nhẩm tính, mỗi ngày có không ít xăng không rõ nguồn gốc được bày bán công khai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo phân tích của các chuyên gia, hóa chất được pha vào xăng là methanol (CH3OH), người ta chỉ cần pha xăng A92 với hàm lượng 20-30% methanol là có thể cho lời từ 3.000 - 4.000 đồng/lít. Nhưng sử dụng loại xăng pha này rất dễ làm hỏng các bộ phận của xe và gây ra cháy nổ. Methanol giá tương đối rẻ khoảng 10.000 đồng/lít, có khối lượng riêng gần bằng xăng nên có thể pha trộn khá đơn giản. Những nguyên liệu này có thể mua ở bất cứ cửa hàng hóa chất nào. Cũng có khi người ta lấy xăng A83 rồi dùng công nghệ pha chế biến thành xăng A92, A95, thu về khoản lợi nhuận không nhỏ.

Đường đi của xăng “dỏm”

Trong câu chuyện giữa bàn nhậu, giới tài xế kháo nhau về một người lái xe bồn mới làm việc 2 năm đã xây ngay căn nhà hơn 2 tỷ đồng. Anh. T, một người từng kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu tư nhân tiết lộ: “Tài xế chở xe bồn ai mà không giữ lại vài chục lít để bỏ mối cho các cơ sở tư nhân kiếm lợi. Còn các cơ sở này pha chế như thế nào và bán lại cho người tiêu dùng có bảo đảm chất lượng hay không, họ hoàn toàn vô can. Một chiêu khác mà các bác tài hay dùng nữa là bỏ miếng mút lớn vào dưới đáy bồn xăng, cuối ngày sẽ hút số xăng bị hút vào miếng mút ra bán lại kiếm lời”. Ngoài số xăng tuồn ra từ các xe bồn chở xăng, việc người dân cầm can đi mua xăng về pha chế bán lại cũng hết sức dễ dàng. Đó là trường hợp mua xăng rồi tích trữ trong “kho” như của bà Thái Thị Hà (quận Sơn Trà) vừa bị các cơ quan chức năng tạm giữ hôm 1-6.

Việc mua bán, sang chiết xăng lẻ hiện nay trên thị trường cho thấy một lượng lớn xăng dầu do đầu nậu thu gom được đã quay vòng trở lại cho nhiều chủ xăng lẻ pha trộn. Chịu khó để ý sẽ thấy, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe bồn chở xăng dầu từ các kho Petrolimex (quận Ngũ Hành Sơn) tỏa đi khắp các cây xăng trên địa bàn Đà Nẵng, kể cả xe bồn mang biển số Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Nhưng tài xế xe bồn đi hết bao nhiêu thời gian, dừng xe ở đâu thì cả doanh nghiệp cung cấp, đơn vị vận chuyển và cửa hàng, kho nhập xăng dầu khó nắm chi tiết. Với thực trạng này, tài xế xe bồn chỉ cần thông đồng với người nơi nhập xăng bỏ qua việc giám sát niêm chì, lấy vài chục lít xăng, dầu để bán dọc đường là điều khó tránh.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 5 (Petrolimex), đơn vị chiếm 60 - 65% thị phần xăng dầu tại Đà Nẵng cho hay: Hằng ngày có trên dưới cả trăm xe bồn, xe hàng tới nhận xăng dầu tại kho của công ty. Theo nguyên tắc, chúng tôi thực hiện đúng các quy trình như niêm bồn xăng, lưu mẫu trước khi xuất cho khách hàng. Và khi đã xuất đi, đơn vị vận chuyển hoặc doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về đo lường và chất lượng. Đối với cây xăng công ty quản lý, trách nhiệm chính thuộc về cửa hàng trưởng. Còn về đường đi của xe vận chuyển, đã có giới hạn về quãng đường.

Trong khi lâu nay, trước bức xúc của người dân về tình trạng cháy xe chưa rõ nguyên nhân, cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở khâu kiểm tra các cây xăng lớn mà “quên mất” việc quản lý các điểm bán lẻ. Một cán bộ của Chi cục QLTT thành phố nói: Gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu luôn được người tiêu dùng quan tâm nhất. Thời gian qua, chi cục cũng xác định việc kiểm tra lĩnh vực này là vấn đề trọng tâm của ngành. Bên cạnh các đợt kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, còn thực hiện kiểm tra đột xuất các cây xăng bị khách hàng phản ánh có gian lận. Tuy nhiên, QLTT chỉ kiểm tra vi phạm về giá cả, chứ các sai phạm khác về kỹ thuật thì chịu.

D.A - K.N - P.A

;
.
.
.
.
.