.

Phát triển Khu công nghiệp theo hướng nào?

.

Thành phố Đà Nẵng bắt tay xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn đã 19 năm. Việc thực hiện “thử nghiệm” mô hình phát triển kinh tế  được cho là mới mẻ đầu những năm 90 thế kỷ trước đã đến lúc cần được nhìn nhận và đánh giá khách quan để KCN thật sự là nhân tố quan trọng phát huy lợi thế của địa phương, góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH.

Kỳ 1: Mô hình cổ điển
 

Chỉ KCN Đà Nẵng đạt chuẩn về hệ thống cây xanh và hạ tầng kết nối hiện đại, đồng bộ. 			    Ảnh: Thu PHương
Chỉ KCN Đà Nẵng đạt chuẩn về hệ thống cây xanh và hạ tầng kết nối hiện đại, đồng bộ. Ảnh: Thu PHương

Hiệu quả chưa cao

Không thể phủ nhận kết quả hoạt động của các KCN trên địa bàn thành phố trong 19 năm qua đã góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển, tăng trưởng kinh tế, hình thành các trung tâm công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH- HĐH, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đào tạo cán bộ quản lý, công nhân lành nghề, tạo điều kiện để xử lý các tác động tới môi trường một cách tập trung. Phát triển KCN dẫn đến hiệu quả tích cực là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng và nâng cấp bao gồm hệ thống giao thông trong và ngoài KCN, các hệ thống công trình xã hội. Nhiều công trình hạ tầng được xây dựng và nâng cấp như sân bay, cảng biển, cầu và các trục đường chính từ các KCN đến cảng biển, sân bay để phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa...

Mặc dù các nhà quản lý cho rằng Đà Nẵng vẫn ở trong giai đoạn thử nghiệm mô hình phát triển KCN, nhưng đến cuối năm 2011, 6 KCN đã không còn nhiều diện tích đất trống để thu hút doanh nghiệp. Báo cáo của Ban Quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng cho thấy, 70%  tổng diện tích các KCN đã lấp đầy và Đà Nẵng đang có nhu cầu mở rộng, phát triển thêm KCN. Trong đó, KCN Đà Nẵng đã lấp đầy 100%, KCN Hòa Khánh lấp đầy gần 97%, KCN Hòa Cầm giai đoạn 1 đầy 91%. Có 340 dự án đã đầu tư vào các KCN, giải quyết việc làm cho gần 60 ngàn lao động, trong đó có 263 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 10.500 tỷ đồng và 77 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư 580 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp KCN so với giá trị thu ngân sách toàn thành phố Đà Nẵng còn ở mức rất thấp và có xu hướng giảm dần. Năm 2000, các KCN đóng góp gần 119 tỷ đồng, chiếm 7,07% ngân sách thành phố thì đến năm 2010, thu ngân sách các KCN tăng lên 365,6 tỷ đồng nhưng chỉ chiếm tỷ lệ 3,54% thu ngân sách toàn thành phố, trong đó doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất là 100 tỷ đồng.

Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu tình hình phát triển công nghiệp thành phố, hầu như các nhà quản lý đều có chung câu trả lời rằng Đà Nẵng “thiếu máu” làm công nghiệp. Điều này có lẽ chỉ đúng một phần bởi theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 1997-2005, thành phố đã tập trung toàn lực để phát triển công nghiệp nhưng kết quả là các KCN chưa có những dự án điểm nổi bật trong bức tranh toàn ngành. Đây cũng là tồn tại chung đối với rất nhiều KCN trong cả nước.

Trở lại với những con số phản ánh kết quả các thu hút đầu tư vào KCN nêu trên, có thể phân tích được phần nào hiệu quả kinh tế. Dự án nhiều nhưng đa số có quy mô đầu tư nhỏ đi đôi với hàm lượng công nghệ thấp, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Hầu như các dự án vào KCN chưa đạt được mục tiêu là nơi tiếp nhận công nghệ mới, tập trung những ngành nghề mới.

Mỗi KCN một kiểu

Đà Nẵng là một trong những địa phương phát triển mô hình kinh tế KCN sớm nhất của cả nước. KCN Đà Nẵng (Khu chế xuất An Đồn trước đây) được trao giấy phép đầu tư từ năm 1993, chỉ sau KCN Tân Tạo, thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1997, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất KCN này cho Công ty Liên doanh Massda. KCN Hòa Khánh được thành lập năm 1998 và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng thành lập năm 2001, do UBND thành phố giao cho Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng làm chủ đầu tư. KCN Liên Chiểu cũng được thành lập vào năm 1998, do UBND thành phố đầu tư hạ tầng và đến  năm  2006 giao cho Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng làm chủ đầu tư theo hướng xã hội hóa. KCN Hòa Cầm phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2003 do Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng làm chủ đầu tư, từ tháng 4-2008 đến nay giao cho Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm làm chủ đầu tư theo hướng xã hội hóa.

Ban Quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng cho biết, dự kiến KCN Hòa Khương sắp đến sẽ do thành phố làm chủ đầu tư hạ tầng để bảo đảm giá thuê đất rẻ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố và Khu CNTT  Đà Nẵng sẽ do Công ty Rocky Lai & Associates - Danang, Inc  -  Hoa Kỳ đầu tư hạ tầng.

Đã 19 năm Đà Nẵng theo đuổi mô hình phát triển KCN nhưng xem ra vẫn còn lúng túng trong việc xác định loại hình, nguồn vốn đầu tư hạ tầng, dẫn đến không tuân thủ chuẩn chung về hạ tầng cơ sở, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước. Mô hình nào được bình chọn là kiểu mẫu? Nên phát huy hình thức liên doanh, xã hội hóa hay duy trì phương thức Nhà nước làm chủ đầu tư? Chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào về các sai phạm diễn ra trong KCN liên quan đến kết cấu hạ tầng? Liệu phương thức đầu tư hạ tầng “đại khái” rồi cho thuê có còn phù hợp và hấp dẫn nhà đầu tư?

THU PHƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.