Kỳ 3: Loay hoay công nghiệp phụ trợ
Lời giải cho bài toán giảm nhập siêu của Việt Nam nằm ở khả năng tìm ra cách thức để tăng cường năng lực của ngành công nghiệp nội địa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Từ đây, định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ đã hình thành như một nhu cầu ưu tiên hàng đầu để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Đà Nẵng cũng tập trung kêu gọi đầu tư vào ngành này, dự kiến vào KCN Hòa Khương, nhưng cụ thể là công nghiệp phụ trợ gì thì vẫn còn loay hoay.
Sản phẩm công nghiệp chủ lực nhưng hầu như không có công nghiệp phụ trợ tại chỗ. |
Chưa sẵn sàng
Ngay trong những tháng đầu năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế thế giới hết sức khó khăn nhưng công nghiệp một số địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai vẫn “nóng” lên bởi dòng vốn FDI liên tục đổ vào ngành công nghiệp điện tử mỗi dự án từ vài trăm triệu đến cả tỷ USD. Sự đột phá trong thu hút đầu tư FDI của các địa phương này đã làm cho những người làm công tác xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng phải trăn trở. Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, cho rằng dòng vốn của Nhật Bản có xu hướng ra khỏi Trung Quốc nhưng lựa chọn những địa phương gần các Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc hoặc phía Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận một xu hướng chung, không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương trong cả nước cũng bắt đầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm thiểu các ngành công nghiệp thâm dụng lao động để tập trung phát triển các ngành công nghiệp có khả năng hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo, điện tử và công nghiệp công nghệ cao, bởi các ngành này phát triển sẽ tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn và dần thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia.
Ông Thái Bá Cảnh, Trưởng Ban quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng, cho biết theo suy nghĩ của ông, thành phố định hướng không phát triển mở rộng các ngành công nghiệp bình thường mà ưu tiên cho công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghệ cao, lắp ráp ô-tô, khuôn đúc, khuôn mẫu, may mặc, bao bì. Còn theo Sở Công thương, ngoài 5 sản phẩm công nghiệp chủ lực là giày da, thủy sản đông lạnh, may mặc, xi-măng, cao su thì thành phố vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ các ngành công nghiệp phụ trợ gì cần phát triển mà chỉ đặt ra mục tiêu nhanh chóng hình thành và có chính sách khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ. Nếu có dự án liên quan đến công nghiệp phụ trợ, nhà đầu tư nước ngoài được chỉ đến KCN Hòa Khương còn nằm trên giấy. Sự mơ hồ và chưa sẵn sàng đón công nghiệp phụ trợ của Đà Nẵng được giải thích với lý do chỉ đầu tư hạ tầng theo phương thức cuốn chiếu để không lãng phí nguồn lực đầu tư.
Lúng túng
Theo nhìn nhận thực tế, Đà Nẵng cũng đang bước vào cuộc chạy đua cùng với nhiều địa phương trong cả nước và khu vực ASEAN về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Thế nhưng ngay cả những nhà quản lý trong cuộc cũng chỉ mới khái niệm rất đơn giản về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như may mặc, giày da, lắp ráp ô-tô, khuôn đúc… Còn các chính sách và thực tiễn xúc tiến đầu tư vào công nghiệp phụ trợ như thế nào vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Chưa có nghiên cứu hay khảo sát nào từ thành phố cho thấy Đà Nẵng cần phải xúc tiến đầu tư vào đâu thì mới kết nối được các doanh nghiệp của nước ngoài với doanh nghiệp của Việt Nam để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cung cấp linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp lắp ráp trong nước, mà còn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Đơn giản như ngành dệt-may tạo ra sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đà Nẵng hàng chục năm nay nhưng vẫn không có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ. Kết quả hiện nay, nguyên liệu vải, phụ kiện may đều phải nhập khẩu gần 80%, chỉ có khoảng 5% được cung ứng từ thành phố Đà Nẵng, số còn lại được mua từ các vùng khác trong nước. Một số dự án đầu tư nước ngoài đăng ký thuê đất tại KCN Đà Nẵng đã thực hiện việc cho thuê đất đối với một số cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu hoặc gia công ngay bên cạnh khuôn viên nhà máy của mình.
Khó thu hút FDI
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, công nghiệp phụ trợ là nội dung quan trọng để phát triển nền công nghiệp hiện đại. Công nghiệp phụ trợ yếu kém, không chỉ giá trị gia tăng xuất khẩu thấp mà hàng loạt doanh nghiệp FDI cũng dần rút vốn đầu tư, chuyển đến sản xuất ở những nước có ngành công nghiệp phụ trợ tốt hơn vì không tiếp cận được nguồn cung tại chỗ theo lộ trình giảm thuế trong khuôn khổ hợp tác mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng các KCN của Đà Nẵng đã gần lấp đầy và Đà Nẵng không còn “khát FDI” như những năm trước đây nữa vì quỹ đất không còn nhiều. Nhưng thực tế công nghiệp phụ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp công nghệ cao có lẽ là ngành đã và đang đòi hỏi vốn FDI lớn nhất. Không có công nghiệp phụ trợ đón đầu thì Đà Nẵng sẽ khó hình thành, cạnh tranh và phát triển các ngành kinh tế chủ chốt, mũi nhọn trong tương lai.
Bài và ảnh: THU PHƯƠNG