.

Sớm giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp

.

Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ ra đời có thể ví như liều thuốc giúp doanh nghiệp (DN) tăng thêm “sức đề kháng” nhằm duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận vốn vay ngân hàng, hỗ trợ thị trường, tăng sức tiêu thụ hàng hóa trong toàn xã hội.
 

Doanh nghiệp đang nóng lòng chờ được giãn, giảm thuế. Trong ảnh: Giờ làm việc của công nhân Tổng Công ty Dệt-may Hòa Thọ.  (Ảnh mang tính minh họa)
Doanh nghiệp đang nóng lòng chờ được giãn, giảm thuế. Trong ảnh: Giờ làm việc của công nhân Tổng Công ty Dệt-may Hòa Thọ. (Ảnh mang tính minh họa)

Để cụ thể hóa chủ trương trên, UBND thành phố đã phối hợp với Cục Thuế triển khai Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường… Trong đó, việc miễn giảm, gia hạn thuế cho DN được đông đảo cộng đồng DN quan tâm.

Đà Nẵng hiện có khoảng 13.000 DN, trong đó 98% DN nhỏ và vừa. Từ đầu năm 2012 đến nay, có 465 đơn vị giải thể, hơn 740 DN tạm nghỉ kinh doanh và hàng trăm DN ngừng hoạt động. Nếu tính cả năm 2011 thì con số này là 30%. Tình hình trên đã kéo theo gia tăng mất việc làm trong xã hội. Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, có khoảng 6.000 công nhân đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong tổng số 63.000 công nhân trong các khu công nghiệp. Tính chung tổng số khoảng 230.000 lao động đang làm việc trong các DN trên toàn địa bàn thì tỷ lệ thất nghiệp hơn 4%. Riêng 5 tháng đầu năm 2012, có 9.834 lao động phải nghỉ việc do lương thấp, DN giải thể, thu hẹp sản xuất... Theo thống kê của Bộ Công thương, chỉ số tồn kho đến 31-5-2012 ở mức 29,4%, bình thường chỉ số tồn kho tăng khoảng từ 12 - 15% là hợp lý. Song, hiện chỉ số này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ thì đây là điều bất thường đối với nền kinh tế, sẽ dẫn đến đình đốn sản xuất tiếp tục kéo dài, vượt quá sức chịu đựng của DN và việc giải thể, ngừng hoạt động là không thể tránh khỏi, ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Vì vậy, với Nghị quyết 13/NQ-CP, các DN đang kỳ vọng sức mua trên thị trường hàng hóa tăng lên, giúp DN “giải phóng” hàng tồn kho… Nhiều DN mong muốn được xem xét mở rộng phạm vi giảm, giãn hoặc hoãn thuế, nhằm gián tiếp giúp DN giảm giá sản phẩm, kích thích tiêu thụ...

Ông Hồ Trương Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho rằng, cộng đồng các DN gặp khó trong việc chi phí đầu vào, đầu ra, tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho... Vì vậy, các nhóm giải pháp trong Nghị quyết 13/NQ-CP triển khai tương đối đồng bộ, liên quan đến việc giảm chi phí, giãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tạo điều kiện cho DN giảm chi phí đầu vào, duy trì sản xuất kinh doanh, xem xét giảm giá thành sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động bán hàng...

Cùng quan điểm đó, ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc VinaCapital Đà Nẵng, đề nghị trong bối cảnh nhiều DN bất động sản nợ thuế đất hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì gói giải pháp này được nhiều DN trong lĩnh vực bất động sản đánh giá cao. Việc giảm 50% tiền thuê đất của năm 2012 đối với đơn vị hoạt động thương mại, dịch vụ, các chủ đầu tư dự án khó khăn về tài chính được gia hạn tối đa 12 tháng là giải pháp được nhiều DN hoan nghênh, bởi cùng với việc giãn tiến độ nộp thuế có thể giúp DN giảm bớt áp lực, ít ra cũng đến hết năm 2012. Càng có ý nghĩa hơn là DN không phải chịu mức phạt chậm nộp thuế 0,05%/tháng... Nghị quyết 13/NQ-CP được ví như một chiếc “phao cứu sinh” khi DN sắp đuối trong cơn “lũ” khủng hoảng... Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, số tiền thuế được giảm, giãn thuế rất có ý nghĩa, vì các DN hạn chế được một phần vốn vay. Đồng thời, việc hạ lãi suất cho vay không chỉ tạo điều kiện để DN có tiền sản xuất mà còn khơi thông dòng chảy tín dụng.

Để giúp các DN vượt qua khó khăn trong thời điểm này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đã khẳng định: Trước sự khó khăn của DN, chính quyền không thể đứng ngoài cuộc, DN làm ăn tốt sẽ hỗ trợ kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng phải đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn. Tạo điều kiện để DN duy trì sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng giúp DN tiếp cận vốn, ngành Thuế hỗ trợ DN kê khai các khoản được miễn, giãn, giảm, thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế nhằm hỗ trợ DN minh bạch công tác kế toán, chứ không chủ ý “bới móc” DN sai phạm gì để phạt. Nếu DN có sai sót, phải kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ... Ngành Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương phải rà soát, xem xét các thủ tục cơ chế chính sách hỗ trợ DN, loại bỏ rào cản, thủ tục hành chính không hợp lý, khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước...

Bài và ảnh: THÀNH LÂN
 

;
.
.
.
.
.