Ngày 26-6, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ trì Hội nghị thẩm định 30 đồ án thiết kế quy hoạch và kiến trúc, chọn địa điểm đầu tư xây dựng đối với 17 dự án mới.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh (phải) và đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Theo đó, với dự án Công viên Đại dương tại bán đảo Sơn Trà có quy mô 80ha, Tập đoàn SunGroup đã mời Công ty Pacon‘s Tree House tiến hành khảo sát và thiết kế. Công viên Đại dương sẽ là một điểm đến đạt 3 mục đích: Tạo mới khu vui chơi đặc sắc và khu giải trí biển đẳng cấp cao; khu giới thiệu văn hóa bản địa và thế giới; khu chỉ dẫn mô hình địa danh thắng cảnh qua tái hiện các châu lục trên thế giới. Về quy hoạch đầu tư, có các phân khu với điểm nhấn là hồ thủy cung, biểu diễn cá heo; phân khu nhà hàng, khách sạn... Trong đó phần công viên chiếm 16ha, khu thương mại và giải trí 10ha và hạ tầng giao thông đường bộ, cầu cảng 14ha. Điểm đặc biệt của dự án là du khách tiếp cận với Công viên Đại dương bằng các hướng giao thông đường bộ phía cầu Thuận Phước và hướng đường Hoàng Sa, tại các nút giao cắt có các hầm đường bộ, đường thủy. Dự án có tuyến cáp treo lên đỉnh Sơn Trà tạo tiện lợi cho du khách tham quan qua nhiều địa điểm du lịch và sử dụng nhiều dịch vụ suốt 24/24 giờ mỗi ngày. Lãnh đạo thành phố đồng ý với các nội dung thiết kế quy hoạch của chủ dự án, song đề nghị hạn chế đầu tư nhà ở biệt thự, quy mô đầu tư trung tâm hội nghị trong khu vực dự án. Việc đầu tư khu vui chơi giải trí quy mô lớn cần được tính toán mở rộng diện tích bãi đỗ xe bởi thiết kế hiện tại có sức chứa 2.000 ô-tô vẫn không bảo đảm nhu cầu. Do đó, nâng tổng diện tích quy hoạch từ 80ha lên 100ha và đối với khu vực bãi đỗ xe phải dành diện tích tối thiểu 20ha.
Lãnh đạo thành phố cũng thống nhất chọn phương án thiết kế kiến trúc đối với dự án Nhà Thiếu nhi thành phố, song lưu ý các đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu hài hòa về vị trí, độ cao công trình với các công trình khác như Đài tượng niệm, Cung Thể thao Tiên Sơn. Đối với việc chiếu sáng cầu Rồng, thống nhất các phương án chiếu sáng của Công ty TNHH Điện tử Philips Việt Nam cũng như các thiết kế thân cột đèn cách điệu các vật dụng, biểu tượng của cư dân vùng biển. Các pha màu hiệu ứng chiếu sáng thân cầu Rồng cơ bản xác định 5 màu như vàng, xanh, cam... nhưng không chọn màu đỏ. Công ty TNHH Điện tử Philips Việt Nam ngoài việc thiết kế để rồng phun lửa vào các tối thứ 7 và chủ nhật, thiết kế thêm hệ thống để rồng phun nước. Thiết kế đầu rồng sẽ do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và Nguyễn Long Bửu cùng phối hợp thực hiện để tạo ra đầu rồng thật sống động, giàu tính mỹ thuật.
Với dự án cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi, không chấp nhận thiết kế mới lan can mà tập trung xử lý gia cố khe hở để bảo đảm tính an toàn, thống nhất phương án cải tạo dầm cầu cũ tại vị trí thông thuyền cùng 4 kích nâng.
Đối với Nhà khách do Công ty 789 đầu tư tại đường Hoàng Kế Viêm, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thống nhất với thiết kế kiến trúc gồm các khối nhà cao 4 tầng, 18 tầng và 25 tầng. Riêng thiết kế cầu vượt qua đường Trường Sa để tiếp cận với bãi biển cần được xem xét lại về tính thẩm mỹ, thiết kế kiến trúc cảnh quan chung và nên xây dựng hầm ngầm ra bãi biển sẽ tạo ấn tượng hơn, bảo đảm sự hài hòa với môi trường.
Đối với đề xuất của Công ty CP Trung Thủy điều chỉnh quy hoạch Khu Du lịch sinh thái Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, lãnh đạo thành phố đồng ý cho phép chủ dự án lùi tuyến đường quy hoạch ven biển vào sát khu dân cư hiện trạng và chỉnh trang kiến trúc mặt phố. Các biệt thự ven biển thiết kế theo hướng có 2 mặt tiền hướng ra biển và nhìn ra đường giao thông. Phần diện tích trên mõm Nam Ô xây dựng khoảng 15 biệt thự về hướng tây.
Đối với tuyến đường ra Khu du lịch làng Vân dài 1.500m, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án thiết kế nhưng chưa được chấp nhận. Dự án Khu dân cư Bàu Mạc thống nhất quy hoạch có diện tích 47ha với gần 1.600 lô đất liền kề, 74 biệt thự, hạ tầng đô thị có 5 block chung cư, trường mẫu giáo và tiểu học.
Các dự án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch như kênh xả lũ hồ Hòa Trung, Khu dịch vụ và cầu cảng du thuyền sông Hàn, kho xăng dầu Vùng 3 Hải quân, điều chỉnh hướng tuyến đường Hoàng Văn Thái - Bà Nà, điều chỉnh khu đô thị số 6 Khu đô thị Tây Bắc, đường Đà Nẵng - Dung Quất, kênh thoát nước khu dân cư Hòa Nhơn - sông Túy Loan, ranh giới khu đô thị Golden Hills… được lãnh đạo thành phố thông qua. Dự án Khu công nghiệp Hòa Khương được xác định phạm vi quy hoạch rộng 251 ha, trong đó giai đoạn 1 triển khai 100 ha. Dự án nhà công vụ Công an thành phố có quy mô xây dựng cao 15 tầng; mở rộng vườn ươn cây xanh Hòa Ninh rộng thêm 50 ha. Việc quy hoạch, sắp xếp kinh doanh tại chợ Cồn cũng được triển khai với kinh phí gần 3 tỷ đồng.
Trong số 17 dự án chọn địa điểm đầu tư xây dựng, về cơ bản được lãnh đạo thành phố thông qua và ủng hộ các chủ đầu tư vào khai thác thương mại, dịch vụ và du lịch, phát triển sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ, chăn nuôi theo hướng trang trại.
TRIỆU TÙNG