Dù nền kinh tế có khó khăn nhưng thị trường xây dựng tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung vẫn có nhiều tiềm năng. Sự cạnh tranh trong đấu thầu diễn ra khá gay gắt và không dành chỗ cho doanh nghiệp (DN) năng lực yếu.
Luật Đấu thầu đang được đề xuất chỉnh sửa và bổ sung để làm lành mạnh thị trường xây dựng. Trong ảnh: Công ty TNHH MTV Xây dựng và phát triển hạ tầng thi công dự án nhà ở xã hội tại khu A, khu đô thị Nam cầu Cẩm Lệ. |
Đầy tính cạnh trạnh
Thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp cứng rắn trong việc xử phạt các nhà thầu vi phạm cam kết về tiến độ. Việc xử phạt không chỉ dành cho các dự án nhóm A mà những công trình phát triển hạ tầng đô thị khác cũng xử phạt. Có DN mức xử phạt lên đến gần 5 tỷ đồng. Mới đây, UBND thành phố cũng chỉ đạo xử phạt DN thi công dự án KTX sinh viên với mức phạt 20 triệu đồng mỗi ngày nếu chậm tiến độ. Điều này cho thấy tính kỷ cương trong xây dựng. Công tác đấu thầu cũng tiến hành công khai và chỉ những DN có đủ năng lực thi công mới mong trúng thầu công trình.
Trong lần tiếp xúc với DN quận Cẩm Lệ của lãnh đạo UBND thành phố, DN nhỏ và vừa có kiến nghị được chỉ định thầu xây dựng các hạng mục công trình tại các dự án tái định cư. Kiến nghị là thỏa đáng song rất khó cho DN địa phương “chen chân” bởi thiếu năng lực thi công từ phương tiện máy móc đến nhân lực. Ngay việc thi công nhà ở dân dụng cũng rất khó khăn. UBND quận Cẩm Lệ được UBND thành phố chỉ đạo thành lập các đội thi công công trình nhằm hỗ trợ thi công nhà ở cho người dân tái định cư phường Hòa Xuân. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn luôn khó khăn bởi DN có tư cách pháp nhân lại không mặn mà với công trình nhỏ lẻ, ngược lại các chủ thầu tư nhân cũng không muốn nhận thi công dự án bị ràng buộc tiến độ, thủ tục thanh quyết toán...
Thị trường xây dựng ngoài nguồn vốn Nhà nước, sự cạnh tranh trong giới nhà thầu cũng diễn ra khá gay gắt. Trao đổi với nhiều giám đốc DN xây dựng tại địa phương đều cho biết quá khó để trúng thầu các dự án tại các khu resort hay dự án nhà cao tầng. Phần lớn các DN xây dựng tại địa phương chỉ làm nhà thầu phụ hay đảm nhận việc cung ứng vật liệu. Tuy nhiên, yếu tố về thiết bị kỹ thuật, vốn... chưa phải là vấn đề khó cho DN địa phương gặp phải, mà chính là chưa xây dựng đội ngũ quản lý dự án, kỹ sư xây dựng lành nghề và lực lượng nhân công ổn định, thương hiệu chưa mạnh và chưa cạnh tranh được trong đấu thầu quốc tế. Thực tế công nhân ngành xây dựng tại địa phương luôn biến động, tính kỷ luật chưa cao làm cản trở năng lực thi công và xây dựng thương hiệu xây lắp của DN xây dựng địa phương.
Nâng cao năng lực và vai trò nhà thầu
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng miền Trung cho biết, nhiều DN nhà thầu trong khu vực đã tham gia thi công nhiều dự án, công trình có chất lượng; góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và giải quyết việc làm cho người lao động ở các tỉnh, thành. Hằng năm, Hiệp hội đều quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực nhà thầu như chuyển giao những tiến bộ KHKT trong thi công; tham gia sinh hoạt và tập huấn nghiệp vụ ở Hiệp hội kỹ sư ASEAN…
Về phía Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam lại có nhiều trăn trở trong việc thực thi Luật Đấu thấu. Ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, việc quy định chỉ định thầu làm cho nhiều nhà thầu dù có năng lực vẫn không tiếp cận được dự án. Mặc dù Luật Đấu thầu nói rõ những trường hợp chỉ định thầu là trường hợp công trình dự án mang đặc điểm: có sự bất khả kháng, gói thầu do nước ngoài tài trợ, gói thầu mang bí mật, ý nghĩa kinh tế quốc gia, gói thầu mua sắm mở rộng trang thiết bị có trong hạng mục do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực tiễn thì những dự án như đường giao thông nông thôn, tượng đài, khu du lịch sinh thái, trụ sở cơ quan… không có gì là cấp bách, hay bí mật quốc gia nhưng lại được chỉ định thầu tràn lan. Đáng nói hơn, đơn vị trúng thầu là một số DN giàu có và thế lực. Đây là thiệt thòi lớn cho các nhà thầu khác, khi họ có đủ năng lực mà không có cơ hội đấu thầu.
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị: Cần phải giảm bớt quy trình đấu thầu để các chủ đầu tư không còn vin vào lý do đấu thầu nhiêu khê; hoàn thiện những quy định của pháp luật, triển khai thực hiện luật nghiêm túc, không để những kẽ hở trong Luật Đấu thầu bị lợi dụng như xác định rõ hơn thế nào là gói thầu thuộc dự án cấp bách, vì lợi ích dự án quốc gia. Đặc biệt, cần giảm bớt tình trạng chỉ định thầu đối với các công trình dùng ngân sách Nhà nước. Trong những trường hợp đặc biệt áp dụng hình thức chỉ định thầu, cần phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ, cần có chế tài xử phạt đối với các vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý, từ chủ đầu tư, các địa phương cho đến bộ, ngành quản lý.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG