.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Gập ghềnh vào Gap

.

Bài 1: Nông dân trồng rau vẫn “thuần nông”

Gần 10 năm với dự án chồng dự án, đến nay con đường vào VietGap (quản lý sản xuất, kinh doanh rau an toàn) của nông dân Đà Nẵng xem ra còn quá nhiều gập ghềnh.

Người nông dân vẫn lúng túng trong quy trình xử lý, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
Người nông dân vẫn lúng túng trong quy trình xử lý, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Năm 2010, Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng triển khai Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP). Từ năm 2008, Đà Nẵng bắt đầu thực hiện VietGap. Trước đó, từ năm 2003, thành phố đã triển khai RAT (sản xuất rau an toàn).

Theo đại diện của một số hợp tác xã (HTX) rau an toàn ở thành phố, nhận thức về VietGap hay Gap (Global GAP - nông sản đạt tiêu chuẩn toàn cầu) của người nông dân Đà Nẵng hiện nay tương đối hoàn thiện nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng. Sản phẩm rau sạch sản xuất theo quy trình VietGap đưa ra thị trường chưa cạnh tranh được rau sản xuất tự do. Mặc dù người sản xuất rau hưởng ứng tích cực chủ trương của cơ quan quản lý (Sở NN&PTNT), nhưng chưa có một vùng rau chuyên canh nào ở thành phố đạt chuẩn VietGap. Trong khi đó, theo Sở NN&PTNT, trong Dự án QSEAP đến năm 2015, Đà Nẵng sẽ hoàn tất quy hoạch và bảo đảm các vùng rau chuyên canh: La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ); Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang); Yến Nê 1, Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang); Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) và Phú Sơn (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) đạt chuẩn VietGap (?!).

Thực tế, nhiều người trồng rau dù nhận thức khá hoàn thiện về các quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng việc ghi chép và lưu giữ thông tin ít nhất 3 năm (một trong các tiêu chí quan trọng trong việc sản xuất theo quy trình VietGap) vẫn là thách thức đối với nông dân. Ông Lê Trường Hải, Phó Chủ nhiệm HTX Rau sạch La Hường, cho hay người trồng rau rất tích cực hưởng ứng quy trình VietGap, nhưng do trình độ nhận thức và tập quán trồng rau thuần nông nên chỉ thực hiện theo cảm tính đối với những yêu cầu mới trong quy trình. Dù được tập huấn thường xuyên, nhưng họ vẫn rất lúng túng trong khâu xử lý đất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, khâu sơ chế hầu như chưa được thực hiện, cơ sở vật chất phục vụ cho vùng rau còn quá nhiều thiếu thốn.

Có mặt tại vùng rau an toàn Túy Loan, lắng nghe tâm sự của bà con trồng rau ở đây mới ngộ ra những bất cập rất… hiển nhiên. “Rau sản xuất theo quy trình VietGap cũng giống rau sản xuất tự do ở các nhà vườn khác, thậm chí rau của họ còn xanh non hơn. Người mua không phân biệt được rau VietGap và rau bình thường. Hiện nay, rau VietGap chưa có chỗ đứng đúng nghĩa trên thị trường, chưa tạo được thương hiệu, thương quyền cụ thể nên sức cạnh tranh thấp hơn rau tự do”, ông Trần Lượng, Phó Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Túy Loan cho biết.

Đa số rau VietGap do các hộ dân trong vùng rau Túy Loan sản xuất hiện đều bán ở chợ hoặc các đầu nậu thu mua trực tiếp tại vườn để bỏ mối cho các quán ăn, nhà hàng dưới phố. Điều này đồng nghĩa với đầu ra bấp bênh, chưa ổn định và bảo đảm niềm tin cho người sản xuất. Vì vậy, rất khó cho những người sản xuất rau VietGap cạnh tranh với các nhà vườn không sản xuất theo quy trình rau VietGap. Chính đại diện Sở NN&PTNT cũng thừa nhận thực trạng này.

Vấn đề đặt ra là phải bảo đảm thị trường, làm rõ nguồn truy xuất rau để người tiêu dùng nhận ra đâu là rau an toàn, đâu là rau tự do. Có như vậy người sản xuất rau VietGap mới an tâm về đầu ra ổn định. Mới đây, HTX Rau an toàn Túy Loan đã có đơn đặt hàng của Công ty Khê Thạch (ở đường Duy Tân) với bản hợp đồng dài hơi. Đây là tín hiệu vui cho các hộ trồng rau trong HTX. Tuy nhiên, ông Lượng cho biết vẫn rất phân vân vì khi có hợp đồng đầu ra cho nguồn rau nhưng việc bảo đảm nguồn rau an toàn cung ứng cho đối tác một cách ổn định không phải là chuyện dễ dàng. Bởi lẽ, cơ sở vật chất, thời tiết, mùa vụ và chủng loại rau chưa thật sự phong phú và ổn định theo nhu cầu của khách hàng; diện tích sản xuất đang có nguy cơ bị thu hẹp. Vùng rau Túy Loan chỉ có 4ha, với 60 hội viên tham gia sản xuất, vào mùa lũ coi như bỏ hoang đất trồng. Tình hình sản xuất, tiêu thụ… rau an toàn Túy Loan cũng là thực trạng chung của các vùng rau nằm trong diện quy hoạch của thành phố nói trên. Điển hình như vùng rau sạch La Hường, trước đây có 15ha, nay chỉ còn khoảng 7ha với 46 hộ sản xuất. Vào mùa lũ tháng 7, cánh đồng rau này chìm trong vùng nước sông Cẩm Lệ. Như vậy, dù là vùng rau chuyên canh, nhưng do nhiều yếu tố, rau La Hường vẫn còn in đậm tính thuần nông.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.