.

Chung tay xóa nghèo

.

Kiên cường, dũng cảm trong thời chiến và bản lĩnh, đầy nghị lực trong thời bình, những cựu chiến binh (CCB) quận Ngũ Hành Sơn đã vượt qua những khó khăn đời thường, cùng giúp nhau xóa nghèo. Họ trở thành nhân tố quan trọng trong việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở địa phương.

Nhờ sự trợ giúp của Hội CCB phường Hòa Quý, gia đình CCB Võ Phẩm đã có thêm thu nhập từ chăn nuôi vịt thả lồng.
Nhờ sự trợ giúp của Hội CCB phường Hòa Quý, gia đình CCB Võ Phẩm đã có thêm thu nhập từ chăn nuôi vịt thả lồng.

Đến thăm nhà CCB Võ Phẩm (trú tổ 20, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), chúng tôi được đưa đến thăm khu vực chăn nuôi của gia đình. Ông Phẩm hớn hở giới thiệu đàn vịt xiêm gần 200 con - thành quả của những tháng ngày vất vả chăm bẵm và cũng nguồn thu chính của gia đình hiện nay. Tham gia đội du kích địa phương từ năm 1970-1975, sau ngày đất nước thống nhất, nhà đông con, vợ lại đau ốm liên miên nên mọi việc trong nhà đều do ông Phẩm gánh vác. Vừa làm nông, vừa làm thuê cho hợp tác xã, ông không từ việc nhỏ việc lớn để lo cho mấy miệng ăn trong nhà. Vậy mà gia cảnh vẫn không khá lên được.

Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Phẩm, những đồng đội đã từng sát cánh cùng ông nghĩ ra cách giúp bằng việc hỗ trợ con giống để gia đình ông chăn nuôi, cải thiện điều kiện kinh tế. “Từ vài chục con vịt xiêm ban đầu do Hội CCB quận trợ giúp, đến nay, nhà tôi có đàn vịt nuôi thả lồng gần 200 con, cứ cách tháng lại xuất bán, thu về trên dưới 1,4 triệu đồng/tháng”, ông Phẩm tâm sự. Ngoài ra, ông Phẩm đã làm thêm nấm rơm, nấm sò, nên gia đình có thêm nguồn thu ổn định, con cái cũng được lo ăn học đến nơi đến chốn. Ông Đặng Ngọc Đình, Phó Chủ tịch Hội CCB phường Hóa Quý cho biết, gia đình ông Phẩm và một số CCB ở phường đã nhận sự trợ giúp về con giống, tập huấn cách thức chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập. Cách thức hỗ trợ này phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình hội viên cũng như điều kiện sinh sống ở một vùng đất còn mang đậm chất nông thôn như Hòa Quý.

Theo CCB Nguyễn Thiên Lý, Phó Chủ tịch Hội CCB quận Ngũ Hành Sơn, trong số 45 hộ CCB nghèo toàn quận thì đa số đều tập trung ở phường Hòa Quý. Và nhờ sự nhanh nhạy, chịu khó của từng hội viên cộng với sự hỗ trợ kịp thời của Hội mà số hộ CCB nói trên đều đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Ngoài việc giúp con giống để chăn nuôi như phường Hòa Quý, tại các phường khác, CCB còn chung nhau góp vốn quay vòng. Từ nguồn tiền thu được và số tiền từ quỹ đồng đội, họ san sẻ cho nhau, giúp vốn những trường hợp CCB khó khăn để buôn bán, mở quán kinh doanh. Hội CCB các phường cũng đứng ra bảo lãnh giúp hội viên vay vốn làm ăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn giải quyết việc làm của Trung ương và địa phương… “Số vốn vay được không nhiều nhưng là động lực để một số gia đình hội viên thêm tự tin chuyển đổi việc làm, tự nghĩ ra hình thức kinh doanh để cải thiện đời sống”, CCB Nguyễn Thiên Lý nhận định.

Không dừng lại ở việc xóa nghèo trong hội viên CCB, thời gian qua, CCB quận Ngũ Hành Sơn cũng đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương giúp đỡ những hộ nghèo cũng như tìm các nguồn tài trợ để giúp những học sinh nghèo vượt khó. Bản lĩnh, sự kiên trì, chịu khó của những người lính năm xưa đã làm những người dân nghèo thật sự cảm động. Bởi với họ, không dễ gì khi nhận được sự hỗ trợ vật chất và đồng thời cũng có người luôn sát cánh bên cạnh, động viên họ thoát nghèo bằng chính năng lực của mình. Điều đáng nói là những CCB quận Ngũ Hành Sơn và đặc biệt là ở vùng nghèo như phường Hòa Quý luôn nghĩ ra cách giúp người dân một cách thiết thực nhất, bởi họ sống trong dân, thấu hiểu những khó khăn của các gia đình nghèo. Đối với họ, chung tay cùng chính quyền xóa nghèo không chỉ là trách nhiệm của người lính trong thời bình mà là cách để họ tri ân những người đã từng che chở, sát cánh với họ trong thời chiến.

Bài và ảnh: M.HẠNH

;
.
.
.
.
.