“Thắt lưng buộc bụng” đang được nhiều người dân áp dụng triệt để trong chi tiêu, nhằm đối phó với tình hình kinh tế không mấy lạc quan trong thời điểm này. Trong khi đó, những nhà phân phối lại tìm cách giảm giá nhiều mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.
Mua ở các chợ nhỏ là giải pháp tiết kiệm đối với nhiều người lao động bình dân. |
Tính toán sát sao
Tại nhiều siêu thị, chợ, người tiêu dùng (NTD) tỏ ra chú trọng hơn cho các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… thay vì các sản phẩm thời trang, điện máy chưa thật cần thiết. Tình hình khó khăn khiến người dân thấy mình cần phải lo xa, khi không thể đoán trước được bức tranh kinh tế trong thời gian tới sẽ như thế nào. Đi siêu thị BigC trong dịp cuối tuần, chị Lê Thị Mỹ Hạnh (trú 150/3 đường 2 tháng 9), một viên chức trẻ nói rằng, chị không còn chi mạnh tay cho những món hàng như son phấn, áo quần như trước kia, mà tính toán mua những thứ thật cần cho đời sống hằng ngày. “Gia đình chúng tôi thấy cần phải dè xẻn chi tiêu lại, để phòng cho những ngày tháng tới, chẳng may mình không làm ra tiền, hoặc mất việc”, chị băn khoăn.
Đối với nhiều người lao động bình dân, mua hàng ở các chợ nhỏ, chợ lề đường là một giải pháp phù hợp với túi tiền. Chị Đinh Ngọc Diệp, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, so sánh: Nếu cùng mua một loại thức ăn ở chợ nhỏ gần nhà, chị chỉ mất khoảng 2/3 hoặc phân nửa số tiền mua ở chợ lớn. “Do ở chợ lớn, người ta phải đóng nhiều loại phí nên giá bán sản phẩm cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi có thể mua 10-20 nghìn đồng tiền cá ở chợ nhỏ, nhưng sẽ rất khó mua như vậy ở chợ lớn”, chị Diệp phân tích. Theo chị, nếu đi chợ bằng cách đó, mỗi ngày chị có thể tiết kiệm được khoảng 40 nghìn đồng.
Giảm giá nhiều mặt hàng để kích cầu
Những người bán cũng ghi nhận tình trạng ế ẩm chung của thị trường. Anh Nguyễn Văn Hậu bán điện thoại trên đường Âu Cơ cho biết, cửa hàng anh “sống” được chủ yếu nhờ công nhân KCN Hòa Khánh. Tuy nhiên gần đây, do sản xuất đình trệ ở nhiều công ty, công nhân ít việc, thu nhập thấp hơn, nên lượng hàng anh bán ra cũng ít dần. Ông Lê Đức Bảy, phụ trách quan hệ truyền thông của Siêu thị điện máy Vietronimex nhận xét: “Thị trường không sôi động là do tình hình kinh tế chung, NTD cũng thắt chặt chi tiêu. Trong thời điểm nắng nóng kéo dài, các hộ gia đình chỉ ưu tiên bỏ tiền cho các sản phẩm giải nhiệt”. Và theo ghi nhận của chúng tôi tại các siêu thị Phan Khang, Vietronimex, Nguyễn Kim..., NTD tập trung mua những sản phẩm máy lạnh có giá phổ thông từ 5-6 triệu đồng, còn các mặt hàng có giá cao hơn được nhiều nhân viên bán hàng thừa nhận là rất khó tiêu thụ. Tại siêu thị Co.op Mart, theo Giám đốc Võ Hoàng Anh, dù sức mua ở siêu thị hiện nay tăng khá tốt so với tháng 5, nhưng nhiều mặt hàng có giảm giá so với trước đây để phù hợp với túi tiền NTD. NTD có xu hướng tập trung mua những hàng thiết yếu, hàng hóa có chương trình khuyến mãi, tặng kèm hơn.
Trong tình hình trên, ông Hoàng Anh cho biết, để kích cầu tiêu dùng, Co.op Mart tích cực đàm phán với nhà sản xuất để tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó tập trung vào các hàng hóa thiết yếu hằng ngày, tăng cường các dịch vụ tiện tích, các giá trị tăng thêm và tích cực tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các KCN. Đối với các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có ảnh hưởng đến số đông người tiêu dùng, để có chính sách giá tốt, Co.op Mart ưu tiên kinh doanh những hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, thu mua trực tiếp từ các nguồn nguyên liệu như HTX, cảng biển… với số lượng lớn cho cả hệ thống siêu thị, không mua qua trung gian để có giá đầu vào tốt nhất. “Mặt khác, chúng tôi cũng ưu tiên ngân sách khuyến mãi cho các mặt hàng này để có giá tốt nhất, gắn với bảo đảm chất lượng”, ông Hoàng Anh nói.
Bài và ảnh: HẰNG VANG