Bất chấp cơn đại hồng thủy kéo dài gần 4 tháng và bất ổn về chính trị cũng như kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái, năm 2011 ngành du lịch Thái Lan vẫn đạt mức tăng trưởng thứ 7 của toàn cầu. Vì sao Thái Lan làm được điều kỳ diệu như vậy? Có mặt trên đất Thái Lan để tham dự Hội chợ Du lịch - Thương mại - Truyền thông 2012, phần nào chúng tôi đã tìm ra câu trả lời.
Gian hàng các món ăn Việt Nam tại đại siêu thị Mega Bangna. |
Từ “3S” đến “4S” và liên kết phát triển bền vững
Có thế nói, du lịch Thái Lan có cú hích mạnh mẽ và trở thành “thỏi nam châm” thu hút du khách khắp nơi trên thế giời nhờ chủ trương phát triển du lịch theo công thức “3S”, tức là sun (mặt trời), sea (biển) và sex (tình dục) từ hơn 10 năm trước. Sự kết hợp này vấp phải không ít tranh luận nhưng đã giúp nền công nghiệp không khói Thái Lan nhiều năm liền đứng vào top 10 của thế giới về mức độ tăng trưởng. Thế nhưng, ngay trong thời điểm thành công đó, ngành du lịch Thái Lan đã chứng minh sự nhạy bén bằng cách nhanh chóng chuyển công thức “3S” thành “4S”, tức là thêm scalpels (dao mổ - phát triển ngành phẫu thuật thẩm mỹ). Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Thái Lan, riêng chữ S cuối cùng (du lịch phẫu thuật thẩm mỹ) đã thu hút mỗi năm gần nửa triệu du khách đến từ hai châu lục phát triển là châu Âu và châu Mỹ.
Điều đáng nói là dù với công thức phát triển gì đi nữa thì ngành du lịch Thái Lan luôn chú trọng đến công tác quảng bá qua các phương tiện truyền thông, mà Hội chợ Du lịch - Thương mại - Truyền thông 2012 là một ví dụ. Khách mời của hội chợ khoảng 1.000 người đến từ 61 quốc gia, trong đó có gần 300 nhà báo. Trong gần một tuần, các nhà báo được cung cấp đầy đủ thông tin, “sờ tận tay” những sản phẩm du lịch độc đáo của Thái Lan và hẳn nhiên những thông tin này sẽ đến với du khách khắp nơi trên thế giới. Một ví dụ khác là trong năm 2011, khi cơn lũ lịch sử rút khỏi Bangkok thì ngay lập tức, Tổng cục Du lịch tổ chức họp báo quốc tế để thông báo: “Nước lụt đã rút và Thái Lan sẵn sàng đón du khách đến tham quan trở lại”. Còn trước đó, sau cơn bạo loạn của phe áo đỏ tại Bangkok và một số tỉnh, thành phố, đã có cuộc họp báo tương tự được tổ chức. Ông Suraphon Svetasreni, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan đã chia sẻ với các nhà báo: “Báo chí chính là người bạn đồng hành của chúng tôi trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp không khói nên chúng tôi không thể thiếu các bạn”.
Tuy nhiên, trước khi nhờ cơ quan truyền thông, có thể thấy ngành du lịch Thái Lan đã làm rất tốt công tác hậu cần. Trong lúc nền kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái ngày càng trầm trọng, sức mua của người tiêu dùng giảm sút mạnh, thì trong tháng 5-2012, riêng tại Bangkok đã khai trương hàng chục đại siêu thị. Và với sự nỗ lực hết mình của ngành du lịch trong việc thu hút du khách, các đại siêu thị này đều kín khách trên khắp thế giới đổ về mua hàng hóa. Đại siêu thị Mega Bangna rộng gần 400.000m2 mỗi ngày có hơn 100.000 lượt khách đến mua sắm, hay đại siêu thị Terimina 21 hoặc khu “chợ trời” AsiaTique vốn được cải tạo lại từ một thương cảng nổi tiếng trong thế kỷ XV luôn đông kín du khách khắp nơi về tham quan và mua sắm.
Trông người mà nghĩ đến ta
Tại Hội chợ này, ngành du lịch Thái Lan lại tiếp tục chứng tỏ sự nhạy bén khi công bố chiến lược mới là phát triển du lịch kết hợp với chơi golf, du lịch cưới hỏi (Thái Lan sẽ là địa điểm tổ chức đám cưới cho thế giới), du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, du lịch Xanh sẽ được tổ chức trên cơ sở gắn kết du lịch sinh thái các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong. Vì vậy, một số khách thuộc tiểu vùng sông Mekong như Lào, Campuchia, Việt Nam... đã được mời tham gia một số hoạt động như họp báo giới thiệu chương trình du lịch quốc gia, mở gian hàng giới thiệu du lịch... Thế nhưng, trong lúc các nước được mời như Lào, Campuchia... đều rất coi trọng cơ hội hợp tác và giới thiệu này thì Việt Nam lại tỏ ra khá thờ ơ. Trong buổi họp báo giới thiệu của Việt Nam, phòng họp thưa vắng các nhà báo quốc tế, và cũng chỉ có vài nhà báo đặt câu hỏi tìm hiểu du lịch Việt Nam. Ngược lại, tại buổi họp báo của Lào, Campuchia, đặc biệt là chủ nhà Thái Lan, được đầu tư rất nghiêm túc nên đông đảo các nhà báo quốc tế đến tìm hiểu. Càng buồn và thất vọng hơn khi tại gian hàng giới thiệu của Việt Nam, buổi sáng khai mạc có vài nhân viên tiếp khách, trong ngày hôm đó 3 lần nữa chúng tôi đến đều “vườn không nhà trống”. Trong khi đó, tại gian hàng Lào, Campuchia và cả Bhutan luôn có nhân viên chào đón để giới thiệu với khách về tiềm năng du lịch của mình. Ông Huỳnh Đăng Khoa, nhân viên thuộc Cơ quan Phát triển du lịch Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh nói: “Hằng năm chúng tôi đều mời các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham gia hội chợ để tìm đối tác, mặc dù tất cả kinh phí chúng tôi lo liệu nhưng rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Năm nay, chúng tôi cũng mời rất nhiều nhưng cuối cùng chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia. Thật đáng tiếc!”.
Ngược lại, các chương trình giới thiệu du lịch của Thái Lan tổ chức tại Việt Nam luôn được cả ngành du lịch Thái Lan, lãnh đạo các địa phương lẫn doanh nghiệp đầu tư quan tâm. Chỉ riêng tại Đà Nẵng, mỗi năm có cả chục đoàn như vậy với quy mô hàng trăm người và luôn được tổ chức rất ấn tượng. Đây cũng là lời giải thích cho con số từ năm 2007, chỉ có hơn 100.000 du khách Việt Nam sang du lịch tại Thái Lan và đến năm 2011 vừa qua, con số này đã tăng lên gần 500.000 người. Mục tiêu phấn đấu của Tổng cục Du lịch Thái Lan là đến năm 2015 sẽ là 1 triệu du khách.
Không biết bao giờ du lịch Việt Nam làm được như Thái Lan, quả thật khó có câu trả lời với cách làm du lịch như hiện nay!
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN