.

Giới siêu giàu ‘né’ hơn 21.000 tỷ USD tiền thuế

.

Số tiền mà giới siêu giàu cất giấu tại những nơi không đánh thuế thu nhập tương đương GDP của cả hai nền kinh tế Mỹ và Nhật cộng lại.

Theo một nghiên cứu của James Henry, từng là nhà kinh tế trưởng tại Hãng tư vấn McKinsey, tính đến cuối năm 2010, giới siêu giàu thế giới giấu ít nhất 21.000 tỷ USD tại các thiên đường thuế bí mật.

Có ít nhất 21.000 tỷ USD được giấu tại các thiên đường thuế của thế giới. Ảnh: AFP
Có ít nhất 21.000 tỷ USD được giấu tại các thiên đường thuế của thế giới. Ảnh: AFP

Chuyên gia thuế kiêm cố vấn chính phủ Mỹ John Whiting lại tỏ ra nghi ngờ con số này vì nó quá lớn. Ông cho biết: “Chắc chắn là họ sẽ né được thuế ở đâu đó, nhưng có thật là số tiền lớn đến mức ấy không?”.

Đáp lại thắc mắc này, ông Henry tiết lộ con số 21.000 tỷ này đã được tính theo cách thận trọng, còn số liệu thực tế có thể lên tới 32.000 tỷ USD. Các dữ liệu dùng để phân tích được lấy từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, World bank và Chính phủ nhiều nước.

Nghiên cứu này chỉ tính đến tiền gửi trong ngân hàng và tài khoản đầu tư chứ không bao gồm các tài sản khác như bất động sản hay du thuyền. Bản báo cáo được công bố giữa lúc dư luận đang rất lo ngại về tình trạng trốn thuế trên toàn thế giới. Một số Chính phủ, trong đó có cả Đức, thậm chí còn trả tiền để lấy thông tin về những kẻ trốn thuế từ ngân hàng

Ông Henry kết luận giới siêu giàu chuyển tiền đi khắp thế giới thông qua một “hệ thống chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, pháp luật, kế toán và đầu tư”. Ông cho biết: “Số thuế thất thu theo tính toán của chúng tôi là rất lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ khác, nghiên cứu này lại là một tin tốt. Chúng ta vừa phát hiện một lượng tài sản lớn có thể giải quyết hầu hết vấn đề hiện tại”.

Báo cáo cũng chỉ ra các ảnh hưởng của việc phát hiện ra số tiền này lên bảng cân đối kế toán của 139 nước đang phát triển. Ông Henry ước tính từ năm 1970 đến 2010, những người giàu nhất của các quốc gia này đã có thêm 7.300 - 9.300 tỷ USD “tài sản nước ngoài không được ghi nhận”. Henry gọi số tài sản cá nhân được giữ ở nước ngoài này là “hố đen của kinh tế thế giới”.

Tuy nhiên, ông Whiting vẫn tỏ ra ngờ vực: “Tôi không thể phản đối những con số này, nhưng chúng làm tôi quá sửng sốt. Các nhà chức trách đang làm rất nhiều việc để ngăn chặn vấn nạn này, tất cả chúng ta đều thấy rất rõ. Thế mà lại có một lượng tiền lớn như vậy bị giấu đi và chưa được tìm thấy”. Ông cũng chỉ ra rằng nếu các thiên đường thuế này thực sự che giấu nhiều tiền như vậy, thì “những nơi đó đã giàu từ lâu rồi mới phải”.

Các phát hiện mới cũng được công bố trong báo cáo này bao gồm: Cuối năm 2010, 50 ngân hàng tư nhân hàng đầu thế giới quản lý hơn 12.100 tỷ USD tài sản đầu tư nước ngoài của các khách hàng. Ba ngân hàng dẫn đầu danh sách này là UBS, Credit Suisse and Goldman Sachs. Ngoài ra, gần 100.000 người trên toàn cầu sở hữu tới 9.800 tỷ USD tài sản ở nước ngoài.

Ông Brendan Barber - Thư ký của Liên đoàn Lao động Anh cho biết: “Các nước trên khắp thế giới đang chịu sức ép giảm thâm hụt. Vì thế, chính phủ không thể để cho nhiều tiền như vậy chảy vào những kênh né thuế”.

Ông cũng cho rằng việc đóng lại các lỗ hổng được giới siêu giàu tận dụng để né thuế là rất cần thiết để giảm thâm hụt. Bằng cách này, Chính phủ các nước có thể tập trung vào kích thích kinh tế thay vì cắt giảm chi tiêu và tăng thuế đối với 99% dân số còn lại, vốn không hề giàu có trong xã hội.

VnExpress

;
.
.
.
.
.