Hàng quá hạn sử dụng cả tháng, ngoài vỏ phủ đầy bụi nhưng khi khách hàng hỏi mua, nhiều chủ quán vẫn thản nhiên mang ra bán. Khách hàng cẩn thận còn để ý xem hạn sử dụng trên bao bì, nhưng không ít người chủ quan thì cứ thế đem về nhà sử dụng.
Một chai nước ngọt có hạn sử dụng đến hết ngày 7-11-2011, vẫn được bày bán ở quán giải khát trên đường Ỷ Lan Nguyên Phi. |
Niêm yết cũng như không
Trong vai khách vào uống nước tại quán T.H ở Bến xe trung tâm thành phố, chúng tôi gọi chai nước Coca Cola cùng 2 ly đá. Chủ quán nhanh nhảu lấy chai nước từ ngăn dưới cùng của kệ đựng hàng, lau vội vỏ chai đầy bụi rồi mang ra. Cầm trên tay chai nước, chúng tôi không khỏi rùng mình khi thấy nắp chai đã bắt đầu hoen gỉ, thân chai đầy vết trầy xước. Trên vỏ chai ghi hạn sử dụng ngày 4-5-2012 và như vậy đã quá hạn 2 tháng. Khi chúng tôi trả lại chai Coca Cola với lý do hết hạn sử dụng, bà chủ tỏ vẻ không vừa lòng, nhìn đi nhìn lại chai nước rồi mới chịu đổi.
Sau đó, quán có thêm 2 thanh niên. Lần này bà chủ nhiệt tình rót hẳn ra 2 ly, đon đả mời khách để tránh việc trả lại như chúng tôi. Để ý kỹ, tôi thấy trên kệ hàng của quán T.H có không ít mặt hàng nước ngọt, bánh quy chỉ còn cách hạn sử dụng từ 2-3 ngày. Một số mặt hàng do để lâu, dòng chữ ghi hạn sử dụng đã mất hẳn. Một nhân viên phục vụ tên T. cho biết: “Phần lớn sản phẩm hết hạn sử dụng vẫn được bày bán vì nhiều người không để ý. Nhất là với khách vào uống nước thì hàng hết hạn 4-5 ngày vẫn được quán mang ra phục vụ như thường, rót ra ly rồi có ai biết đâu!”.
Tiếp tục trong vai người mua hàng, chúng tôi ghé vào một quầy tạp hóa trên đường Ỷ Lan Nguyên Phi (quận Hải Châu). Qua quan sát, chúng tôi thấy trên kệ hàng của quán có không ít chai nước ngọt Sprite, Fanta, Seven Up... không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng. Một thùng mì ăn liền Hảo Hảo đã quá hạn sử dụng... 5 ngày. Sau một hồi ngần ngại, bà N. chủ quán cũng cho biết: “Có những mặt hàng khi lấy về không bán được, để lâu nên quá hạn sử dụng, chủ yếu là nước giải khát, bánh kẹo. Khách mua có người cẩn thận xem hạn sử dụng, có người lại không quan tâm”.
Không chỉ các mặt hàng nước giải khát, bánh kẹo giá trung bình mà ngay cả một số mặt hàng chất lượng, giá khá cao như sữa Ensure... cũng được bày bán khi đã hết hạn sử dụng.
Càng về các vùng nông thôn, lượng hàng “quá đát” càng nhiều. Nhưng không vì thế mà số hàng này không tiêu thụ được. Tại quầy tạp hóa N.A ở thôn Quan Nam 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy có 3-4 mặt hàng như nước giải khát, bánh quy, sữa tươi hết hạn gần một tuần nhưng chủ quán vẫn không gỡ xuống.
Xử lý hàng “quá đát”
Bà N. cho biết: “Thông thường chỉ những dịp các xe chở hàng nhờ trưng bày hàng mẫu, quảng cáo thì hàng hết hạn sử dụng của mình mới được đổi lại hàng mới. Không đổi được thì phải tự xử lý”. Nói là vậy, nhưng vì việc xử lý hàng “quá đát” ảnh hưởng đến lợi nhuận, nên nhiều chủ quán vẫn phớt lờ và bán tiếp số hàng đó.
Sau vài ngày lân la ở nhiều cửa hàng tạp hóa, chúng tôi làm quen với một nhân viên chuyên phân phối các mặt hàng nước ngọt. Người này cho biết: “Hàng đã “bỏ” cho các quầy, đại lý luôn là hàng “tươi” (còn hạn sử dụng). Khi lấy hàng, các quầy phải tự lượng sức mình, còn chúng tôi không chịu trách nhiệm đền bù, thu gom khi sản phẩm hết hạn”. Tuy nhiên, cũng theo nhân viên này, chắc chắn nhà phân phối phải có cách để hạn chế thiệt hại từ việc để hàng hết hạn sử dụng, tồn kho nhiều.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cho biết: “Theo nguyên tắc, hàng hết hạn sử dụng phải bị hủy bỏ, vì lúc này chất lượng của sản phẩm đã không còn được bảo đảm như cam kết của đơn vị sản xuất ghi trên bao bì. Sản phẩm cũng không còn bảo đảm về an toàn thực phẩm. Nếu tiếp tục sử dụng có thể gây hại cho sức khỏe”. Cũng theo ông Tiến, người tiêu dùng khi đi mua hàng cần xem rõ hạn sử dụng của sản phẩm để tránh những sự cố đáng tiếc.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA