Ngày 24-7, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Môi trường Hàn Quốc (KEI), Viện Tăng trưởng Xanh toàn cầu (GGGI) và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng xanh trong Tiểu vùng sông Mekong”. GS,TS) Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS, TS Thongsalit Mangnomek, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Lào; Viện sĩ, TS Khlot Thida, Chủ tịch Viện Khoa học Hoàng gia Campuchia; GS Cae One Kim, Tư vấn viên cấp cao, Viện Tăng trưởng Xanh toàn cầu (Hàn Quốc) đồng chủ trì hội thảo.
Ban chủ trì hội thảo phát triển vùng sông Mekong. Ảnh: P.V |
Phát biểu tại phiên khai mạc, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, từ thực tiễn phát triển của tiểu vùng sông Mekong, đòi hỏi cần cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường quản lý hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu về lương thực, môi trường, năng lượng và nước; từ đó tạo nền tảng phát triển bền vững cho khu vực trong tương lai. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tại lưu vực sông Mekong cần tiến hành từng bước và đồng bộ trên cả ba phương diện: Đổi mới các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp sạch, thay đổi cơ cấu đầu tư, đa dạng sinh học...; thiết lập các thể chế, chính sách cho nền kinh tế xanh, tập trung vào việc xây dựng và thực thi các quy định về phát thải, thành lập các cơ chế giám sát và kiểm soát, ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh, thay đổi hình thức kết nối vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...; tập trung nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ môi trường, hình thành các chuẩn mực xanh trong xã hội và tăng cường trách nhiệm môi trường của các doanh nghiệp... Đây là những giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong ngày 24-7, hội thảo được chia làm 3 phiên làm việc. Nội dung phiên làm việc thứ nhất, dưới sự chủ tọa của GS, TS Nguyễn Xuân Thắng và TS Cae One Kim, với chủ đề “Phát triển bền vững khu vực Tiểu vùng sông Mekong và Hợp tác quốc tế”, hội thảo nghe các báo cáo: Hành trình tới Tăng trưởng Xanh, Lý thuyết Tăng trưởng Xanh của GGGI và các bài học; Hợp tác và phát triển ở khu vực GMS và Những thách thức cho Tăng trưởng Xanh của Việt Nam, Campuchia và Lào. Phiên thứ hai có chủ đề “Chia sẻ các Chính sách Phát triển khu vực nông nghiệp” với sự chủ tọa của GS,TS Nguyễn Quang Thuấn và GS Ji Soon Lee, các đại biểu được nghe giới thiệu về thực trạng và chính sách phát triển nền nông nghiệp ở các quốc gia Hàn Quốc, Việt Nam, Lào và Campuchia; qua đó chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu trong phát triển nông nghiệp xanh và bền vững. Phiên thứ ba, do GS,TS Đỗ Hoài Nam và TS Sang In Kang chủ trì, các đại biểu nghe các báo cáo về sản xuất và tiêu dùng bền vững; thực trạng và chính sách về môi trường ở Hàn Quốc và các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia cũng như thảo luận các vấn đề về hợp tác trong nghiên cứu chính sách môi trường.
Được biết, Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Greater Mekong Subregion - GMS) là sáng kiến hợp tác phát triển giữa các nước thuộc lưu vực sông Mekong do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng từ năm 1992.
P.V