.

Mạnh tay với hoạt động thu mua nông sản trái phép

.

Thời gian gần đây, tình trạng thương lái nước ngoài thu mua nông sản trái phép tại nhiều địa phương vẫn diễn ra phức tạp, bất chấp những cảnh báo của các cơ quan chức năng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trước tình hình trên, tại buổi họp Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm do Bộ Công Thương tổ chức chiều 9/7, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước khẳng định, sẽ có nhiều biện pháp mạnh như cấm nhập cảnh, khắc phục lỗ hổng quản lý... để ngăn ngừa các hành động trên.

Không phải thương lái nào cũng xấu

Theo lãnh đạo Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, việc thương nhân nước ngoài thu mua gom hàng nông sản tại Việt Nam không phải mới diễn ra gần đây.

Trên thực tế, không phải thương nhân nước ngoài nào cũng làm ăn theo kiểu lừa đảo, chụp giật, gây hại đến lợi ích của nông dân. Thậm chí, nhiều thương nhân nước ngoài có văn phòng, chi nhánh, hay những doanh nghiệp FDI làm ăn chân chính theo đúng pháp luật Việt Nam thì rất cần khuyến khích họ tiếp tục.

Nhưng bên cạnh đó, theo ông Chiến hiện vẫn còn có một bộ phận cá nhân người nước ngoài hoạt động thương mại trái với pháp luật Việt Nam, núp bóng dưới dạng khách du lịch để thu gom trái phép hàng nông sản và có sự tiếp tay của một số thương nhân trong nước.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng như vải thiều, thanh long, dưa hấu, dứa, gạo... đã bị mua gom và rớt giá thê thảm, xuống còn 30%-70%.

Điển hình là từ cuối 2011 đến đầu năm 2012 khi các thương lái nước ngoài mua gom khoai lang tại huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, giá khoai lang tím tại địa phương được bán từ 800.000 đến 900.000 đồng/tạ.

Nhưng từ Quý II/2012, khi họ không tiếp tục mua khoai lang, đến nay giá khoai lang tím chỉ còn khoảng 180.000 đồng đến 190.000 đồng/tạ, việc tiêu thụ khoai đang gặp khó khăn rất lớn.

Đặc biệt, không chỉ ép giá, một số thương nhân nước ngoài còn yêu cầu người nông dân trộn gạo trắng với gạo thơm để họ có thể gian lận, tăng lợi nhuận.

Những hành vi này đã vi phạm pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều người dân cũng như gây bức xúc trong dư luận.

Lấp lỗ hổng quản lý

Để xảy ra những vụ việc đáng tiếc vừa qua, theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước là do trách nhiệm của các Sở Công Thương và Chính quyền địa phương. Từ nhận thức đến việc tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại từng địa bàn cụ thể còn nhiều hạn chế.

Hơn nữa, do tham lợi, một bộ phận thương nhân trong nước đã tiếp tay cho các hành vi này qua việc đứng ra thu gom hàng hóa cho thương lái nước ngoài, bất chấp những điều mà pháp luật quy định.

Nhưng điều căn cơ hơn nữa, theo bà Lê Hoàng Oanh, Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thì đầu ra cho sản phẩm của nông dân vẫn còn rất khó khăn, không bán được, vậy nên khi thương lái nước ngoài trả giá cao thì họ sẵn sàng bán.

"Trách nhiệm đặt ra là phải có thị trường cho nông dân tiêu thụ được nông thủy hải sản. Vai trò của doanh nghiệp và địa phương và cơ quan quản lý nhà nước là phải có cơ chế tiêu thụ, mở rộng thị trường nước ngoài để thêm nhiều kênh tiêu thụ," bà Oanh cho hay.

Từ thực tế trên, theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động như tuyên truyền cho thương nhân, nông dân tại địa phương hiểu rõ pháp luật Việt Nam khi thu mua nông sản... thì Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh họat động Xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường, cũng như giúp doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối đến sát bà con để hoạt động mua bán có lợi hơn cho người nông dân.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Chi cục chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; kiên quyết xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

"Chúng tôi sẽ đề xuất để ngành công an quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh... nhằm ngăn chặn và xử lý các vi phạm," ông Nguyễn Xuân Chiến nhấn mạnh.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.