.

Ngư dân bám biển

.

Cho dù vùng biển 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang “dậy sóng”, nhưng ngư dân Đà Nẵng vẫn kiên cường bám ngư trường truyền thống này.

Ông Trương Văn Hay (trái) chuẩn bị ra khơi.
Ông Trương Văn Hay (trái) chuẩn bị ra khơi.

47 tuổi, ông Trương Văn Hay, ở tổ 36 phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), có thâm niên 32 năm bám biển đánh bắt hải sản. Ông là chủ và là thuyền trưởng tàu ĐNa 90235, công suất 340 CV, hành nghề lưới vây. Trở về từ vùng biển Hoàng Sa, sau chuyến đánh bắt hơn nửa tháng, tàu ông cập cảng cá Thọ Quang vào trung tuần tháng 7, đưa về 11 tấn hải sản, trị giá gần 400 triệu đồng. Trừ hết các khoản chi phí, chủ tàu thu hơn 100 triệu đồng, ngư dân 8 - 10 triệu đồng/người.

Tại cầu cảng, ông dành cho chúng tôi những lời tâm huyết từ nghề của mình: 15 tuổi theo cha lên tàu ra biển. Ra đến cửa biển là say sóng bí tỉ. Sau chuyến biển đầu tiên đó, ông nghĩ không bao giờ dám xuống tàu nữa. Nhưng rồi được mọi người động viên, ông mạnh dạn đi tiếp, dần dà rồi cũng quen. Nghề này gian nan lắm. Có chuyến trúng đậm, có chuyến lỗ. Người không can trường khó trụ nổi. Giữa biển khơi bao la, vô vàn thứ rủi ro, có khi mình không thể lường hết được. Nay đi tàu công suất lớn có trang bị máy liên lạc tầm xa, máy định vị, đỡ lo.

“Tàu đang đánh bắt là chiếc thứ mấy trong 32 năm hành nghề của ông”, chúng tôi hỏi và ông Hay cho biết là chiếc thứ 4. Hồi còn trẻ đi tàu với cha. Khi có gia đình, đầu những năm 90 thế kỷ trước, đóng mới tàu 60CV, hành nghề câu mực khơi. Đến năm 1998, bán chiếc cũ đóng chiếc công suất 90CV. Năm 2004, vừa cải hoán nâng công suất lên 340CV và đóng mới tàu đang đánh bắt hiện nay. Năm 2009, để có kinh phí đầu tư giàn lưới 700 - 800 triệu đồng chuyển từ nghề câu mực sang lưới vây, thanh lý đi một chiếc. Tính ra, từ đầu năm đến nay ra khơi 5 chuyến, đưa về khoảng 40 tấn hải sản các loại. “Liên tục bám biển Hoàng Sa như vậy, có bị tàu nước ngoài gây khó?”, trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông chậm rãi: “Đụng tàu họ là thường. Có khi gặp cả tàu quân sự. Nhưng việc của mình mình làm, không sợ. Có khi họ đến gần ra hiệu xua đuổi đi nơi khác. Những lúc như vậy, mình cho tàu chạy đi, nhưng khi họ đi khuất lại về nơi đó đánh bắt tiếp. Thời gian gần đây, tàu cá của họ đánh bắt tại vùng biển mình nhiều lắm. Họ đi đội hình 15-20 chiếc và luôn có một chiếc tàu mẹ bảo đảm khâu hậu cần. Tàu của họ bằng sắt, khá lớn”.

Hỏi về nguyện vọng, ông Hay tâm sự: Là ngư dân, không thể không ra khơi. 47 tuổi, tôi còn gắn bó với biển hơn chục năm nữa mới nói chuyện nghỉ. Hiện nay, một cậu con trai đang nối nghiệp, cũng bám biển thường xuyên. Cứ mỗi lần gặp tàu cá của họ ngang nhiên đánh bắt trên vùng biển nước mình, bức xúc lắm. Giá như  Nhà nước có chủ trương cho ngư dân vay vốn ưu đãi, nhiều người mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn, kể cả tàu sắt để bám biển. Phải có nhiều tàu công suất lớn đồng loạt ra khơi mới giữ được ngư trường.

4 - 5 lần tìm gặp không thành do thuyền trưởng tàu ĐNa 90307 Nguyễn Phú Hùng (ở tổ 27 phường Thanh Khê Đông) liên tục bám biển, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khê Đông Lê Nguyên Khánh tạo điều kiện cho chúng tôi gặp anh qua sóng máy ICOM. Từ khơi xa, anh cho biết tàu đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, mọi thứ đều thuận lợi. Đây là chuyến thứ 6 kể từ đầu năm đến nay. Mặc cho tàu nước ngoài xuất hiện nhiều, nhưng ngư dân vẫn kiên cường bám ngư trường truyền thống đánh bắt. Năm nay mới 33 tuổi nhưng anh Hùng đã có 17 năm bám biển. Theo anh Khánh, anh Hùng là người rất bản lĩnh, liên tục bám biển Hoàng Sa sản xuất. 6 tháng đầu năm nay, tàu này đưa về gần 50 tấn hải sản.

Nói về sự nỗ lực của ngư dân phường Thanh Khê Đông bám biển Hoàng Sa sản xuất, anh Lê Nguyên Khánh cho biết thêm: 15 tàu/20 chiếc loại đánh bắt xa bờ của phường liên tục bám vùng biển này đánh bắt hải sản. Ngoài ông Trương Văn Hay, anh Nguyễn Phú Hùng, còn nhiều thuyền trưởng khác cũng rất giỏi giang. Chính sự nỗ lực bám biển của họ đã góp phần rất lớn đem lại sản lượng hơn 3.000 tấn hải sản của phường trong 6 tháng đầu năm nay…

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU
 

;
.
.
.
.
.