.

Người tiêu dùng luôn chịu thiệt!

.

Sau những chiêu quảng cáo “lên mây”, khi người tiêu dùng mở hầu bao để mua sản phẩm, còn sau đó chất lượng hàng hóa như thế nào thì “sống chết mặc bay”… Dù có khiếu nại được hay không, mọi thiệt thòi đều thuộc về người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mua hàng cần xem kỹ bao bì, lấy hóa đơn, bảo hành để bảo đảm quyền lợi khi có sự cố.  (Ảnh chụp tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Đà Nẵng, chỉ mang tính minh họa)
Người tiêu dùng mua hàng cần xem kỹ bao bì, lấy hóa đơn, bảo hành để bảo đảm quyền lợi khi có sự cố. (Ảnh chụp tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Đà Nẵng, chỉ mang tính minh họa)

Thuốc chống rụng tóc làm hói đầu!

Nhiều năm nay, anh L.V.H. (ở phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) luôn lo lắng vì tóc rụng quá nhiều, dù đi khám ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa có kết quả. Xem ti-vi, thấy quảng cáo sản phẩm thuốc bôi kích thích mọc tóc “mua 2 tặng 1” xuất xứ Tây Ban Nha, anh H. liền mua ngay. Tuy nhiên, sau khi sử dụng đúng hướng dẫn ghi trên hộp thì tóc của anh H. không những không mọc thêm mà ngày một rụng nhiều hơn. Quá bức xúc, anh gọi điện thoại đến cơ sở bán ở thành phố Hồ Chí Minh thì chị nhân viên trấn an: “Anh yên tâm, sản phẩm bảo đảm chất lượng lắm, nhưng khi nào tóc anh rụng sạch trơn thì mới mọc xanh lại (?!)”. Nghe xong, anh H. toát mồ hôi, vì sợ đám tóc còn lại cũng sẽ không còn nữa nên anh quyết định dừng bôi thuốc và tự nhủ “cạch” luôn mấy sản phẩm quảng cáo sai sự thật như trên.

Tháng 2-2011, anh L.M.T (ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) mua sản phẩm giày tại cửa hàng T., có phiếu bảo hành trong vòng một tháng. Sau khi sử dụng vài ngày thì giày bị hở mũi, anh T. liền mang đến yêu cầu đổi lại giày khác vì giày không bảo đảm chất lượng. Tuy vậy, chủ cửa hàng cho rằng giày đã đi nên không đổi lại được và do anh T. “không biết bảo quản” nên giày bị hư. Vậy là hòa cả làng. Còn chị L.T.N (ở đường Trần Cao Vân, thành phố Đà Nẵng) không yên tâm với chất lượng giày bày bán ở chợ nên mua tại shop giày trên đường Lê Duẩn. Song, khi vừa lau chùi đôi giày khá ưng ý với giá 350.000 đồng thì da giày bị bong tróc. “Chủ cửa hàng cứ cam kết là da tốt, giày “xịn”, vậy mà... Khi tôi đem đến đổi thì họ bảo do tôi lau chùi không đúng cách nên không chịu đổi. Thôi thì đành chấp nhận chứ biết làm sao! Từ nay sẽ không mua giày ở đó nữa”, chị N. bức xúc.

Lại chuyện oái oăm khác khi chị L.T.M.N (ở đường Lý Nhân Tông, thành phố Đà Nẵng) mua một cây cảnh Osaka vàng, trị giá 7,5 triệu đồng tại cơ sở cây cảnh trên đường Trần Xuân Soạn (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) vào ngày 24-7-2011. Trong hóa đơn thanh toán, người bán hàng đã ghi bảo hành thời hạn 60 ngày kể từ ngày trồng cây, nếu cây không sống thì trồng lại cây khác tương đương giá trị. Đến ngày 21-9-2011, cây cảnh này có dấu hiệu héo, chị N. yêu cầu đổi cây khác nhưng cơ sở này không chịu. “Họ cho rằng cây héo do mình không tưới trong khi mình đã rất cẩn thận trong việc chăm sóc cây. Vậy là mình đuối lý”, chị N. than thở.

Hòa giải là chính!

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng (Hội TC&BVNTD) đã tiếp nhận, tư vấn và xử lý 20 vụ việc, trong đó có 15 vụ việc tư vấn qua điện thoại. Các vụ việc khiếu nại chủ yếu liên quan đến chất lượng hàng hóa và vấn đề bảo hành. Trong số các vụ việc tiếp nhận, có một số vụ người tiêu dùng kiến nghị qua điện thoại về chất lượng hàng hóa như sữa Ensure, sữa Vinamilk, nước tương Chinsu...

Theo ông Đoàn Ngọc Minh, thuộc Hội TC&BVNTD Đà Nẵng: “Từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành, công tác tư vấn, giải quyết khiếu nại của Hội gặp nhiều thuận lợi hơn do có cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng để tư vấn, giải thích cho người tiêu dùng và các đơn vị kinh doanh; công tác hòa giải cũng được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả”. Tuy nhiên, “một số người tiêu dùng chưa thật sự quan tâm đến việc tự bảo vệ quyền lợi của mình ngay từ ban đầu khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa (ví dụ như không đọc kỹ các quy định về bảo hành, không yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp hóa đơn mua hàng, hoặc mua hàng tại các nơi không có uy tín...), khi xảy ra các vấn đề thì mới yêu cầu Hội tư vấn và xử lý”, ông Minh nói.

Hầu hết các vụ việc xử lý khiếu nại thường chỉ bằng cách thương lượng đòi bồi thường trên tinh thần hòa giải là chính. Vì thế, quyền lợi người tiêu dùng có được giải quyết thỏa đáng hay không trên thực tế vẫn phụ thuộc nhiều vào ý thức tự nguyện của doanh nghiệp.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.