.

Quy hoạch trung tâm đô thị mới

.

Với vị trí cửa ngõ phía tây bắc thành phố, quận Liên Chiểu đang được xác định sẽ là trung tâm đô thị mới. Về phía đông nam, việc khớp nối quy hoạch và khơi thông sông Cổ Cò hứa hẹn tạo ra bước đột phá về quy hoạch không gian đô thị Đà Nẵng.
 

Khu đô thị Thien Park tại quận Liên Chiểu vừa được nhà đầu tư Nhật Bản ký kết hợp tác đầu tư phát triển đô thị.
Khu đô thị Thien Park tại quận Liên Chiểu vừa được nhà đầu tư Nhật Bản ký kết hợp tác đầu tư phát triển đô thị.

Đô thị mới tây bắc

Thực hiện nghiên cứu quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, UBND thành phố đã mời bà Kathrin Moore - kiến trúc sư và chuyên gia đô thị hàng đầu của Mỹ - xây dựng ý tưởng quy hoạch đô thị. Được biết, bà Kathrin Moore đã có 37 năm kinh nghiệm tư vấn quy hoạch và tham gia quản lý nhiều dự án quy hoạch đô thị quan trọng tại nhiều nước trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu quy hoạch mới trình UBND thành phố xem xét, đã xác định quận Liên Chiểu là trung tâm đô thị mới của thành phố. Điểm nhấn là nhà ga đường sắt mới tạo xúc tác cho các khu công nghiệp (KCN) và các khu dân cư mới phát triển.

Quận Liên Chiểu sẽ xây dựng các nhà chung cư cao tầng, trung tâm mua sắm vừa và nhỏ, khu dân cư và các khu biệt thự. Cụ thể, các tòa nhà chung cư phục vụ nơi ở cho công nhân KCN, các tòa nhà văn phòng phát triển dọc hai bên tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Sinh Sắc và các tuyến đường song song với tuyến đường sắt mới. Quy mô xây dựng các tòa nhà từ 6-15 tầng theo mật độ dân cư từ 1.000-2.000 người/ha, chiếm tỷ trọng lớn trong diện tích đất xây dựng nhà ở tương lai tại quận Liên Chiểu để hình thành cụm dân cư có mật độ dân cư cao. Khu vực có mật độ dân cư vừa và nhỏ phát triển dọc theo hướng đông bắc của quận Liên Chiểu. Trong phân khu này chủ yếu phát triển các tòa nhà đa mục đích với các loại hình kinh doanh mua sắm, bán lẻ, dịch vụ; có các hạ tầng đô thị công viên vừa và nhỏ kết hợp với không gian mở ở phía biển. Quy mô phát triển nhà ở có nhà ở liền kề, chung cư cao từ 3-6 tầng với mật độ dân số từ 300 - 1.000 người/ha. Khu mật độ dân cư thấp với 100 người/ha được hình thành bởi các dự án đô thị sinh thái vùng hạ lưu sông Cu Đê.

Trên địa bàn Liên Chiểu cũng hướng đến việc kết nối 4 đầm và hồ hiện trạng với nhau theo các kênh nhân tạo để hình thành tổng thể không gian xanh kết nối các khu vực dân cư.

Kết nối về phía đông nam

Đầu tháng 6-2012, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng thành phố liên hệ Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn tỉnh Quảng Nam hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết sử dụng đất ven sông Cổ Cò từ ranh giới thành phố Đà Nẵng vào Hội An theo hướng bề rộng lòng sông tối thiểu là 90m trên nguyên tắc bám theo hiện trạng mặt cắt lòng sông, trình UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt trong tháng 6-2012 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Theo đó, bố trí hai tuyến đường ven sông có bề rộng lòng đường 10,5m, chiều rộng vỉa hè phía sông khoảng 20m, chiều rộng vỉa hè phía còn lại khoảng 9m (trừ các dự án đã triển khai thi công) và vệt khai thác quỹ đất dọc hai bên bờ sông khoảng 200m. Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có quy hoạch chi tiết và đang triển khai nạo vét 9km đoạn chảy qua Đà Nẵng. Riêng việc đầu tư 2 cây cầu bắc qua sông Cổ Cò ở Đà Nẵng cũng đã được phê duyệt với kinh phí trên 420 tỷ đồng.

Trước đó, tại buổi ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư, khai thác sông Cổ Cò giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng đây là một dự án lớn, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho hai địa phương, nhất là khai thác du lịch, dịch vụ dọc theo hai bên bờ con sông này. Ngoài ra, sông Cổ Cò còn có thêm nhiệm vụ tiêu thoát lũ trong mùa mưa. Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin thêm UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan hai bên sông Cổ Cò từ huyện Điện Bàn đến thành phố Hội An trên diện tích 2.600ha và giao cho một công ty thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - khai thác). Theo ông Đinh Văn Thu, riêng kinh phí dành cho nạo vét đoạn sông qua Quảng Nam đã lên trên 700 tỷ đồng, chưa kể kinh phí đền bù, xây dựng hạ tầng hai bên bờ sông...

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.