.

Rau không an toàn

.

Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc kích thích tăng trưởng và cả thuốc trừ sâu đã đến hồi báo động. Thế nhưng, khảo sát mới đây của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, hơn 90% người dân không thể phân biệt được rau an toàn và rau không an toàn.

Để tìm câu trả lời này, chúng tôi đã gõ cửa các cơ quan chức năng, đồng thời đến tận các vùng rau ở thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam. Kết quả chỉ khiến nỗi lo của chúng tôi càng lớn thêm…

Giấu mặt khi chúng tôi đưa máy ảnh lên, nhưng bà N.T.H ở làng rau Trà Quế, thành phố Hội An cũng chỉ cho chúng tôi biết những nơi chuyên dùng thuốc  “3 không” phun lên rau.
Giấu mặt khi chúng tôi đưa máy ảnh lên, nhưng bà N.T.H ở làng rau Trà Quế, thành phố Hội An cũng chỉ cho chúng tôi biết những nơi chuyên dùng thuốc “3 không” phun lên rau.

Kỳ 1: Ớn vì thuốc “3 không”

Hằng ngày, số lượng rau khá lớn từ các địa phương của tỉnh Quảng Nam được thị trường Đà Nẵng tiêu thụ. Trong khi đó, theo điều tra của chúng tôi, nhiều hộ trồng rau ở Quảng Nam vô tư dùng chất độc hại kích thích rau tăng trưởng. Vì vậy, không loại trừ khả năng người Đà Nẵng đã ăn phải rau “bẩn” từ nguồn cung cấp này.

Vô tư sử dụng thuốc “3 không”

Theo giới thiệu của một người quen chuyên làm nghề trồng rau ở phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), chúng tôi tìm đến đại lý thuốc BVTV của ông L. trong hẻm nhỏ đường Ngô Quyền với mục đích “mua thuốc tăng trưởng về mở đại lý”. Sau một hồi thăm dò, ông L. cho biết mua ít thì ở Đà Nẵng cũng có, nhưng muốn mở đại lý thì phải vào Quảng Nam. Thế là chúng tôi thẳng tiến về vùng rau Trà Quế nổi tiếng ở Cẩm Hà, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Song theo những người dân tại đây, làng rau này từ nhiều năm nay đã chuyển sang mô hình trồng rau sạch nên không còn sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng nữa. Tưởng như công dã tràng, thế nhưng bà N.T.H - một nông dân trồng rau ở làng Trà Quế tiết lộ: Ở Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam)... người ta sử dụng thuốc đó tràn lan. Theo bà H., dù bón phân cỡ nào, rau cũng không thể đạt đến độ mơn mởn và tươi xanh như sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Còn về nhãn mác, bà H. nói không biết thuốc đó là loại thuốc gì, chỉ biết rằng thuốc không có mùi, không màu và cũng không ghi nơi sản xuất.

Quyết tâm tìm hiểu về thuốc “3 không”, chúng tôi tìm về Điện Bàn. Chỉ vài lần dò hỏi đường, chúng tôi đã gặp ông D. ở thị trấn Vĩnh Điện - vốn được mọi người giới thiệu là “tới đó muốn mua bao nhiêu cũng có”. Sau mấy câu hỏi đầy thận trọng, chỉ khi nghe chúng tôi nói có ý định “mở đại lý”, ông D. mới bắt đầu... quảng cáo: “Nếu anh làm đại lý thì đến tôi là đúng rồi, ở đây tôi bán sỉ nên giá cũng rẻ hơn chỗ khác. Giá một thùng 20 lít tôi chỉ lấy anh 2 triệu”. Chúng tôi nói giá không thành vấn đề mà muốn xem hàng ngay, thì lập tức ông D yêu cầu: “Cứ thống nhất giá trước, rồi anh đưa địa chỉ, số điện thoại, chúng tôi giao tận nhà”. Và ông cũng không quên nói thêm: “Loại thuốc của tôi chỉ cần phun 2 ngày là rau tươi xanh ngay, chứ không phải mấy loại phun 3-4 ngày mới có kết quả (!?)”.

Mỗi nhà có... hai vườn rau!

Đó là điều thực sự khiến chúng tôi hoang mang khi đến các vùng rau ở Đại Lộc, Duy Xuyên trong mấy ngày qua. Đưa tôi đi thăm hai vườn rau của gia đình, chị L.T.T (ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) - một người bà con của tôi – cho biết: “Anh thấy đó, vườn bên này là rau trồng cho gia đình ăn, không phun thuốc gì hết, nên rau trông không đẹp, còn bên kia là rau trồng để bán, có phun thuốc tăng trưởng và thuốc trừ sâu, rau rất tươi tốt”. Quả đúng như vậy, theo quan sát của chúng tôi, hai vườn rau cùng trên mảnh đất nhưng “chất lượng” khác hẳn. Trong khi một bên rau èo uột và quắt lại dưới cái nắng tháng 6, ngược lại, bên vườn rau trồng để bán bất chấp cái nắng như thiêu như đốt, loại rau nào cũng mơn mởn tươi xanh trông rất mát mắt.

Tiếp tục tìm hiểu về thuốc “3 không”, chúng tôi đến huyện Đại Lộc - một địa phương hằng ngày cung cấp khá nhiều rau xanh cho thành phố Đà Nẵng, thì ở đâu cũng bắt gặp “mô hình” hai vườn rau. Ông T.V.C (ở xã Đại Cường), cũng là một người quen, phân tích: “Nếu trồng rau để bán mà không sử dụng thuốc tăng trưởng thì có nước đói. Trung bình một loại rau từ khi trồng đến thu hoạch, có chăm sóc cỡ nào cũng từ 10-15 ngày, như vậy là không quay vòng đất được mà năng suất lại thấp, nên tính ra không kinh tế. Ngược lại, nếu phun thuốc tăng trưởng thì có thể rút ngắn thời gian từ 4-5 ngày, mà rau lại đẹp hơn, dễ bán hơn. Vì vậy, hầu hết người nông dân đều trồng… hai vườn rau, một để bán và một để ăn”.

Thực tế, kiểm soát nguồn rau nhập từ các tỉnh đang là mối lo của các cơ quản quản lý tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đà Nẵng nói rằng, đối với nguồn rau trên chỉ có thể lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá, chứ không thể kiểm soát trong quá trình sản xuất. “Khó khăn nhất là truy xuất nguồn gốc nếu phát hiện rau nhiễm chất độc hại”, ông Tứ cho biết.

Bài và ảnh: THANH SƠN - HẰNG VANG

* Kỳ tới: Rau chỉ an toàn ở nơi sản xuất.
 

;
.
.
.
.
.