.
Rau không an toàn

Kỳ cuối: Rau chỉ an toàn ở nơi sản xuất

.

Chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số rau được tiêu thụ tại Đà Nẵng, nhưng rau được sản xuất ở các vườn và vùng rau trên địa bàn Đà Nẵng khó quản lý được chất lượng khi đưa ra thị trường. Rau có thể khá an toàn ở những nơi được quy hoạch làm vùng sản xuất rau an toàn (RAT), nhưng lại dễ dàng nhiễm khuẩn và có nguy cơ mất an toàn cao qua các quá trình vận chuyển, mua bán…

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Ớn vì thuốc “3 không”

Rau có thể khá an toàn ở những vùng quy hoạch trồng rau an toàn, nhưng lại nhiễm khuẩn trong quá trình vận chuyển, mua bán…
Rau có thể khá an toàn ở những vùng quy hoạch trồng rau an toàn, nhưng lại nhiễm khuẩn trong quá trình vận chuyển, mua bán…

Rau an toàn chưa an toàn

Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đà Nẵng (gọi tắt là Chi cục) cho hay, các kết quả kiểm tra, giám sát hằng năm đối với các vùng sản xuất và các điểm mua bán rau tại các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho thấy, các mẫu rau chủ yếu nhiễm vi sinh vật có trong đất và phát sinh sau quá trình vận chuyển, đặt để, mua bán không bảo đảm an toàn.

Chính vì vậy, tuy tại Đà Nẵng hiện có 4 vùng RAT với việc tuân thủ khá nghiêm ngặt các quy định về sản xuất RAT, ghi lại ngày xuống giống, bón phân, phun thuốc và có cán bộ nông nghiệp đi kiểm tra, hướng dẫn thường xuyên, nhưng lại không an toàn ở đầu ra. RAT sau khi rời vùng sản xuất lại được bày bán lộn xộn ở các chợ, không hề được đóng gói, ghi nhãn mác và không tập trung một nơi. Ông Trần Lượng, Phó Chủ nhiệm HTX sản xuất RAT Túy Loan Tây (thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) nói rằng, do chưa có nhà kho, chỗ thu gom và chưa thể tổ chức mặt bằng giới thiệu, bán sản phẩm ở chợ Túy Loan, nên mạnh ai nấy bán. Theo ông Nguyễn Tứ, tập quán buôn bán của người Việt theo kiểu: mua của bên này một ít, bên kia một ít rồi thành sạp bán. “Vì thế, có thể RAT lẫn với rau được trồng nhỏ lẻ, không có kiểm soát, gây nhiễm khuẩn chéo. Chưa kể, người bán có thể nhiễm bệnh gì đó và gây nhiễm khuẩn cho người mua qua rau”, ông Tứ đưa ra ví dụ.

Và trong thực tế, do kinh phí giám sát hằng năm hạn chế, chi phí xét nghiệm mẫu rau khá cao nên số lượng mẫu thu thập không nhiều, chưa chứng tỏ được chất lượng toàn cảnh. Theo Chi cục, mỗi năm Đà Nẵng tiêu thụ từ 50.000 – 60.000 tấn rau các loại, nhưng trong thống kê kiểm tra an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản qua 3 năm (2009-2010-2011) của Chi cục cho thấy, trong ba năm này, chỉ có 185 mẫu (1 mẫu = 1kg rau) được lấy để xét nghiệm. Thêm vào đó, phải đợi đến 10 ngày sau khi lấy mẫu mới có kết quả. Như vậy, dù phát hiện ra rau có chất độc hại, thì số rau trên đã được lưu thông và tiêu thụ. Do đó, ông Tứ nói rằng, việc xét nghiệm đôi khi chỉ là thông tin cảnh báo cho nhà quản lý biết để đưa ra các biện pháp hữu hiệu hơn trong sản xuất, lưu thông và phân phối.

Đáng sợ rau sản xuất nhỏ lẻ

RAT đã không mấy an toàn, tất nhiên, số rau được sản xuất nhỏ lẻ lại càng đáng lo ngại hơn. Ngay bên vườn RAT Túy Loan Tây là những vườn rau của các nông dân khác trên khu đất sát cạnh những nấm mộ nằm rải rác. Ngoài ra, nhiễm kim loại nặng trong đất cũng là vấn đề không nhỏ trong sản xuất rau. Tiến sĩ Võ Văn Minh, Trưởng khoa Sinh - Môi trường Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết, một số nghiên cứu mẫu đất, mẫu rau của ông cùng các đồng sự tại vùng sản xuất rau ở Hòa Hiệp Nam và Hòa Khánh Bắc (hai vùng sản xuất rau khá lớn của khu vực Liên Chiểu) đã cho thấy: Các nồng độ chì (Pb), Cadimum (Cd) trong đất hoặc rau có mức cao, đôi khi cao bằng mức tiêu chuẩn do bị ảnh hưởng bởi các hoạt động xả nước thải của KCN Hòa Khánh.

“Hiện nay, tình trạng bón tràn lan các loại phân đạm, thuốc trừ sâu khiến dư lượng thuốc trừ sâu và chất trừ sâu trong rau cao, gây hại đến sức khỏe con người theo chiều hướng tích lũy dần theo thời gian sử dụng”, Tiến sĩ Minh đánh giá. Theo ông, vấn đề lớn nhất nằm ở khâu quản lý, bởi ở Đà Nẵng cũng như hầu hết các địa phương khác đều chưa thể quản lý được RAT theo mô hình từ nông trại đến bữa ăn như nhiều nước. Ở đó, việc sản xuất theo đúng quy trình, trước khi đưa ra thị trường đều có nhãn mác và được công nhận về chất lượng. Đứng về phía nhà quản lý về chất lượng bữa ăn, ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Đà Nẵng đưa ra khó khăn: “Hiện nay, việc tiêu thụ rau trên thị trường là kinh doanh tự do nên rất khó giám sát chất lượng, kể cả rau vào các nhà hàng lớn. Chỉ khi có đóng gói, đóng nhãn chứng minh rau sạch và nguồn gốc sản xuất, có giám sát tương ứng thì mới kiểm tra được độ an toàn và quy trách nhiệm nếu xảy ra ngộ độc”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG - THANH SƠN
 

;
.
.
.
.
.