.

Xuất khẩu dệt may vẫn tăng trưởng

.

Trong bối cảnh các thị trường dệt may lớn của thế giới gặp nhiều thách thức, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, tiếp tục là một trong 10 ngành có kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn nhất cả nước (chiếm 13% kim ngạch XK cả nước) và duy trì được khả năng cạnh tranh.
 

Một dây chuyền may hiện đại của Công ty CP Vinatex Đà Nẵng.
Một dây chuyền may hiện đại của Công ty CP Vinatex Đà Nẵng.

Những tháng đầu năm 2012, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng nhờ có định hướng đúng và dự báo tình hình sát với thực tế, cũng như những giải pháp hiệu quả để khắc phục khó khăn vươn lên, ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Tổng kim ngạch XK hàng dệt may và xơ sợi các loại 6 tháng đầu năm đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2011, riêng kim ngạch XK dệt may ước đạt 6,6 tỷ USD.

Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết: Thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch XK hàng dệt may (51%), tiếp đến là thị trường Liên minh châu Âu (EU) 16%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 6% và cuối cùng là các thị trường khác chiếm 14%. Đặc biệt, lợi thế cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam tại thị trường châu Âu vẫn được duy trì khi nhu cầu tại thị trường này đã giảm tới 5%, nhưng lượng đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam xuất sang chỉ giảm 1,5%. Bên cạnh đó, các tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ vẫn cho thấy năng lực cạnh tranh khả quan của hàng dệt may Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp có uy tín của Tập đoàn Dệt may Việt Nam như Tổng Công ty May 10, Công ty May Nhà Bè, Việt Tiến, Dệt lụa Nam Định, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ… vẫn tăng trưởng từ 12% trở lên so với cùng kỳ 2011.

Trong 6 tháng cuối năm nay, ngành dệt may còn phải giải quyết khá nhiều khó khăn bởi kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những tháng cuối năm. Trước hết do nhu cầu giảm, dẫn tới giá XK giảm, nên khối lượng hàng dệt may XK tăng cao nhưng kim ngạch lại tăng không tương xứng. Thị trường châu Âu chiếm tới 13-14% tổng kim ngạch XK dệt may của Việt Nam nhưng trong 6 tháng đầu năm đã giảm 1,3-1,4%. Dự báo những doanh nghiệp chủ yếu XK vào thị trường EU và thị trường Mỹ sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, sự chuyển hướng của các doanh nghiệp sang các thị trường châu Á đang mở ra nhiều triển vọng. Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản đã có mức tăng trưởng trên 23% và được xác định là thị trường trọng điểm trong thời gian tới. Nhật Bản cũng có nền kinh tế phát triển ổn định nên đây là thị trường ngành dệt may cần tiếp tục tập trung khai thác. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc cũng đem lại những tín hiệu vui cho ngành dệt may. Chỉ chiếm 6% tỷ trọng kim ngạch XK, nhưng Hàn Quốc cũng được coi là thị trường trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam thời gian tới để bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ và châu Âu. Trong năm nay, kim ngạch XK dệt may vào thị trường này có khả năng sẽ vượt 1 tỷ USD.

Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 16% trong năm 2012 của toàn ngành, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp như tiết giảm chi phí, hạ giá thành, tăng năng suất lao động, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp và tăng nhanh vòng quay vốn… để nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững thị trường.

Bài và ảnh: KIỀU ĐỨC

;
.
.
.
.
.