.
50 năm quan hệ Việt - Lào

Quản lý tốt hoạt động đầu tư sang Lào

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đến nay, Việt Nam có 230 dự án đầu tư được cấp phép sang Lào còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 4,5  tỷ USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 700 triệu USD, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, nông-lâm nghiệp. Riêng thành phố Đà Nẵng có  4 công ty đang đầu tư tại Lào với tổng vốn đầu tư gần 52 triệu USD. Cụ thể, Công ty TNHH Vân Thu đầu tư nhà máy dệt nhuộm tại Viêng Chăn (8 triệu USD), Công ty CP Thành Ngọc đầu tư tại Attapư về khai thác khoáng sản (900 ngàn USD), Công ty Foodinco đầu tư nhà máy sản xuất bột sắn tại Attapư (3 triệu USD), Công ty Hữu Nghị Nam Lào đầu tư tại tỉnh Chămpasak, Sêkông, Attapư trên các lĩnh vực trồng cây cao su, sản xuất gạch tuy-nen, chế biến tinh bột sắn (40,4 triệu USD).

Đánh giá chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước Việt Nam và Lào cho biết, có nhiều dự án được triển khai tốt, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế và an sinh xã hội của Lào, nhưng đi vào kết quả cụ thể từng dự án thì cần phải tiến hành rà soát và đánh giá lại. Khả năng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào cũng rơi vào tình trạng khó khăn về vốn, một số doanh nghiệp Việt Nam chưa chấp hành tốt luật pháp của nước bạn trong sản xuất kinh doanh. Vốn triển khai thực hiện của các dự án mới chỉ đạt 15%, nhiều nhà đầu tư không có mục đích đầu tư thật sự mà chỉ tìm kiếm cơ hội chuyển nhượng dự án lấy lời. Tuy nhiên về phía Lào cũng chưa hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, chưa kịp thời cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về những chủ trương, chính sách mới liên quan đến hoạt động hợp tác đầu tư.

Tại Hội nghị Hợp tác kinh tế đầu tư Việt Nam – Lào vào đầu tháng 7-2012, đồng chí Somsavad  Lengsavath, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào, cho rằng sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Lào trong thời gian qua chưa chặt chẽ, để xảy ra một số vấn đề hiểu nhầm, thông tin số liệu thống kê không khớp, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện còn buông lỏng, dẫn đến những sai sót nhỏ, lệch lạc chưa được giải quyết kịp thời. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ Lào quan tâm gia hạn miễn thuế cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào tương tự  như Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường của Chính phủ Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, so với cả nước, số doanh nghiệp của Đà Nẵng đầu tư sang Lào hiện nay không nhiều và chưa có dự án nào rơi vào tình trạng trì trệ, thiếu minh bạch. Tuy nhiên, thành phố cũng cần quán triệt cho các doanh nghiệp đang và sẽ đầu tư sang nước bạn phải cam kết về tinh thần trách nhiệm đối với việc thực thi các chính sách pháp luật của cả hai nước Việt Nam và Lào, đồng thời phải coi trọng giải pháp thường xuyên tăng cường trao đổi thông tin, giao lưu để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án hoặc hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Về phía thành phố Đà Nẵng, đồng chí Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, khẳng định hợp tác giữa Đà Nẵng với các địa phương của Lào đang ngày càng phát triển toàn diện, sinh động và hiệu quả. Các doanh nghiệp của Đà Nẵng luôn được chính quyền thành phố tạo điều kiện tham gia xúc tiến thương mại và đầu tư sang Lào để tìm kiếm thị trường mới và cơ hội mở rộng sản xuất.

Với sự quyết tâm của cả hai nước, tin rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước, giữa thành phố Đà Nẵng và các tỉnh của Lào sẽ phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới.

PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.