2012 là một năm tiếp tục khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa yếu về tiềm lực tài chính, quản trị. Đến quý 2, đã có khoảng 4.100 DN trong tổng số 14.000 DN trên địa bàn Đà Nẵng phải ngừng hoạt động. Số còn lại thì có DN phải thu hẹp nhà xưởng, cắt giảm chi phí, sản xuất cầm chừng. Vậy nhưng một số DN lại có khả năng đứng vững nhờ chiến lược phân khúc thị trường.
Nhờ có chiến lược kinh doanh tốt, sản phẩm lót giày của Công ty Hương Quế có chỗ đứng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. |
Hàng tiêu dùng Đà Nẵng lâu nay vốn không mạnh về tiếng tăm lẫn quy mô sản xuất, nhưng có một thực tế việc gây dựng thị trường bao giờ cũng có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH SX và TM Hương Quế thổ lộ rằng thời điểm này, DN của ông cũng đang gặp khó khăn như nhiều DN khác, nhưng thay vì ngồi chờ giải pháp hỗ trợ, ông lại xốc vác hơn trong việc tìm kiếm thị trường. Mỗi năm DN xuất hàng trăm ngàn sản phẩm lót giày và dép đi các nước châu Á, châu Âu. Đầu tháng 8 này, phải tăng cường nhân công để kịp xuất khoảng 60.000 đôi lót giày và 20.000 đôi dép quế các loại đi CHLB Đức. Ông nói: “Chúng tôi đã rất vất vả để gầy dựng cơ sở và tìm đối tác, bây giờ mình ngưng lại coi như mất bạn hàng. Trước đây tôi từng nghĩ làm hàng xuất khẩu ngon ăn hơn, nhưng khi hàng xuất ngoại gặp sóng gió, mới thấy quay về thị trường nội địa là quyết định đúng đắn. Ngay cả bây giờ khi ổn định thì cả hai thị trường chúng tôi đều chăm chút như nhau”.
Đặt ra mục tiêu sản xuất 200.000 sản phẩm mỗi năm với doanh thu trên 30 tỷ đồng, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, Công ty TNHH giày BQ mới chỉ đạt 15 tỷ đồng doanh thu, nhưng đây quả thực là tín hiệu tương đối lạc quan đối với DN nhỏ và vừa của địa phương. Lý giải con số này, ông Phan Hải, Giám đốc công ty cho biết, dù không đạt mục tiêu như kỳ vọng, nhưng mức tăng trưởng 20% mỗi năm đã cho thấy nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển. Kinh nghiệm trong điều kiện khó khăn, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, trước hết chính bản thân những người đứng đầu DN phải có quyết tâm cao dựa trên các ưu thế của mình. Từ đó có chiến lược đẩy mạnh quảng bá, đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, khẳng định thương hiệu của DN mình trên thị trường. Hiện tại BQ mạnh dạn mở rộng thị trường cung ứng sản phẩm giày dép, cạnh tranh với các mặt hàng trong và ngoài nước. Còn ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Công ty Thương mại tổng hợp Phước Tiến cho hay, sau một thời gian khó cạnh tranh thu mua nguyên liệu cho chế biến thủy sản, công ty đã phải đóng cửa trên 10 nhà xưởng. Sắp tới nếu lãi suất cho vay của ngân hàng hạ xuống, công ty cũng tính tới chuyện mở lại nhà xưởng để hoạt động.
Theo đánh giá của Sở Công thương, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong tháng 7 vừa qua. Tuy vậy, việc tiếp cận vốn vay đối với các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn khó khăn do các ngân hàng thường ưu tiên cho vay đối với những DN lớn, uy tín, có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hoặc có báo cáo dự án khả thi được đánh giá cao. So với tháng trước, phần lớn các ngành sản xuất đều tăng, không có ngành sản xuất giảm. Các DN bắt đầu vực lại hoạt động sản xuất.
Trong lúc khó khăn này, các DN đang trông chờ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp quyết liệt để lãi suất cho vay tiếp tục giảm xuống. Mặt khác, các DN cũng phải tự cứu mình trước, nỗ lực tìm giải pháp vượt qua khó khăn như các DN nêu trên.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH