.

Cơ chế cho thuê đất - bất lợi cho doanh nghiệp trong nước

.

Cơ chế cho thuê đất đang tạo ra sự cạnh tranh không sòng phẳng giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và DN nước ngoài.

DN trong nước mong muốn được thuê đất dài hạn. TRONG ẢNH: Khách sạn Phương Đông.
DN trong nước mong muốn được thuê đất dài hạn. TRONG ẢNH: Khách sạn Phương Đông.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay có khoảng 400 DN trong nước đang thuê đất của Nhà nước để đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, trong đó có 20% DN thuê đất hiện trạng (các DN đã tồn tại từ trước khi chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ) được ký hợp đồng thuê từ 5 năm đến 10 năm. Đối tượng này trước khi ký hợp đồng thuê đất với thành phố đã được xác nhận quy hoạch khu đất muốn thuê. Những trường hợp đất nằm trong quy hoạch thì thành phố chủ trương cho thuê từ 1 đến 3 năm. Một số dự án mới được thuê đất từ 30 đến 50 năm. Có hai vấn đề bất cập nổi lên trong cho thuê đất gây bất lợi cho DN trong nước trên địa bàn thành phố.

Thứ nhất, đa số các DN thuê đất hiện trạng đều là những DN Nhà nước đã cổ phần hóa, chủ yếu nằm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn như khách sạn Phương Đông, hệ thống khách sạn của Vitour, khách sạn Daesco, khách sạn Modern... Mỗi khách sạn muốn đầu tư mới hay nâng cấp phải bỏ ra vài chục tỷ đồng và thời gian khấu hao tài sản đến vài chục năm nhưng chỉ ký được hợp đồng thuê đất của thành phố 5 năm hoặc 10 năm tùy theo từng vị trí khu đất. Cổ đông đầu tư vào những DN này lúc nào cũng ở trong tâm trạng phập phồng lo sợ thành phố thay đổi, điều chỉnh quy hoạch và thu hồi đất khi hết thời hạn cho thuê. Nếu DN nào được thành phố “chiếu cố” cho thuê đất trong vòng 15 năm thì xem như đã thành công lớn. Theo Hiệp hội Du lịch thành phố, để yên tâm đầu tư, kinh doanh và có tài sản thế chấp vay vốn kinh doanh, một số khách sạn đã huy động cổ đông góp vốn mua quyền sử dụng đất nhưng đều rơi vào tình trạng kinh doanh không hiệu quả, thu không đủ bù chi khấu hao đầu tư, dẫn đến phải sang nhượng DN.

Thứ hai, DN trong nước phải thuê đất đắt hơn DN nước ngoài. Trong khi nhiều DN tư nhân đang gặp khó khăn vì tiền thuê đất được điều chỉnh ngày một tăng thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài lại đang được áp tiền thuê đất một giá trong suốt đời dự án. Mỗi dự  án có thời hạn cho thuê từ 50 đến 70 năm. Ví dụ, trong khi một công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ phải đóng tiền thuê đất 1,6 USD/m2/năm trong 50 năm thì một công ty tư nhân trong nước phải đóng tiền thuê đất năm 2011 nhiều hơn năm 2010 và giá thuê đất có thể sẽ tăng lên hằng năm. Ngoài ra, DN nước ngoài được nộp tiền thuê đất một lần cho suốt đời dự án hoặc nộp từng năm, trường hợp nộp một lần thì sẽ được hưởng một số ưu đãi. Trong khi đó, DN trong nước  được áp dụng hình thức nộp tiền hằng năm thì không được ưu đãi, thậm chí còn thiệt thòi do việc điều chỉnh giá thuê đất hằng năm; hoặc áp dụng theo Nghị định 69/2009 thì DN trong nước cũng có thể trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhưng số tiền thuê đất phải nộp để được sử dụng đất được tính bằng với số tiền sử dụng đất phải nộp như trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất có cùng mục đích sử dụng đất và cùng thời hạn sử dụng đất. Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho biết, việc áp giá cho thuê đất của thành phố Đà Nẵng đối với công ty giữ nguyên hay điều chỉnh tăng tùy theo thị trường bất động sản, DN cũng không biết trước được. Công ty cũng nỗ lực nộp tiền thuê đất một lần để có tài sản thế chấp vay vốn đầu tư kinh doanh nhưng tình hình kinh tế suy thoái, khả năng vay vốn đầu tư bất động sản  khó và lãi suất cao nên công ty không dám mạo hiểm.

Khó khăn và bất lợi cho DN trong nước trong việc thuê đất xuất phát từ chính sách vĩ mô, chủ yếu là  Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên ở cấp độ địa phương, các DN thuê đất, nhất là các DN sau cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn, hy vọng thành phố sớm hoàn thành và công bố đồ án quy hoạch đô thị Đà Nẵng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để DN có kế hoạch đầu tư phát triển kinh doanh, đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư bằng cách duy trì mức giá cho thuê đất ổn định, bảo đảm công bằng với DN nước ngoài.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.