Kết quả 6 tháng đầu năm 2012, ngành dệt-may cả nước đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) 7,5 tỷ USD và là ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, bước vào quý 3 - mùa cao điểm của ngành dệt-may trong năm - do vẫn bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên tốc độ tăng trưởng có phần chững lại. Mục tiêu 19 tỷ USD giá trị kim ngạch XK của ngành đề ra trong năm 2012 xem ra khó thành hiện thực.
Công nhân Công ty CP Dệt may 29-3 tích cực lao động, kịp xuất hàng đúng hạn theo yêu cầu của khách. |
Thiếu đơn hàng là tình trạng chung hiện nay của các doanh nghiệp (DN), đã thế có những đơn hàng chỉ có vài ngàn đơn vị sản phẩm. Các đơn hàng có số lượng từ vài trăm ngàn đến cả triệu sản phẩm như mọi năm rất hiếm, mà phần lớn chỉ khoảng vài chục ngàn sản phẩm. Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt-may Việt Nam, các thị trường chính là Mỹ giảm khoảng 12%, EU giảm 21%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011. Việc đàm phán các đơn hàng rất khó khăn, một số đối tác đưa ra các đơn hàng có độ khó cao, nhưng không tăng giá.
Tình trạng “ăn đong” từng đơn hàng là khá phổ biến ở các DN. Rất may là các đơn vị khu vực miền Trung, nhất là tại Đà Nẵng như Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt-may 29-3 và Công ty CP Dệt Hòa Khánh nhờ giữ được uy tín với khách hàng nên có đủ việc làm đến hết năm 2012. Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt-may 29-3 cho biết hiện công ty đã có đơn hàng đến hết năm 2012, nhiều khả năng công ty sẽ hoàn thành trước thời hạn mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD trong năm 2012. Tuy nhiên, sản lượng và lao động của các DN dệt-may ở khu vực miền Trung chỉ chiếm gần 10% so với toàn ngành, nên không thể góp phần giải quyết được khó khăn mà toàn ngành đang phải đối mặt.
Để mở ra lối thoát cho ngành dệt-may những tháng cuối năm và các năm tiếp theo, với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công thương và kinh nghiệm nhiều năm tham gia thị trường XK, ngành dệt-may đang tích cực tìm kiếm và chuyển hướng sang các thị trường mới. Đây là lối thoát, cũng là giải pháp hiệu quả hiện nay. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt-may Việt Nam cho biết sự chuyển hướng sang các thị trường châu Á đang mở ra nhiều triển vọng mới.
Hiện thị trường Nhật Bản đã có mức tăng trưởng trên 23% và được xác định là thị trường trọng điểm trong thời gian tới. Nhật Bản có nền kinh tế phát triển ổn định, do vậy đây là thị trường ngành dệt-may cần phải tiếp tục tập trung khai thác. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc cũng đem lại những tín hiệu vui cho ngành dệt-may. Mặc dù chỉ chiếm 6% tỷ trọng kim ngạch XK, nhưng Hàn Quốc cũng được coi là một thị trường trọng điểm để bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ và châu Âu. Dự kiến năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dệt-may vào thị trường này có khả năng sẽ vượt 1 tỷ USD. Trong thời gian tới, các DN trong ngành dệt-may cần tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí, hạ giá thành, tăng năng suất lao động, tăng cường công tác quản trị DN để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời tăng vòng quay vốn lưu động, tăng hiệu suất sử dụng tài sản cố định, chú trọng hơn việc liên kết thị trường nội bộ, nâng cao hơn nữa tỷ trọng sản phẩm có giá trị tăng cao so với tổng sản phẩm của ngành… sẽ là những giải pháp để ngành dệt-may thực hiện được mục tiêu tăng trưởng XK 16% trong năm 2012.
Bà Đặng Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt-may Việt Nam, khuyến nghị các DN chủ động tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cuba, Nga và các nước Tây Á, vì đây là những thị trường nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Mặt khác, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng nội địa cũng là giải pháp rất hiệu quả và bền vững hiện nay. Công ty CP Dệt Hòa Khánh là một trong những DN ít chịu ảnh hưởng của biến động thị trường và luôn tăng trưởng do công ty chủ yếu sản xuất hàng tiêu thụ nội địa. Sự thành công của Công ty CP Dệt Hòa Khánh Đà Nẵng trong việc quan tâm đến hàng nội địa sẽ là bài học cho nhiều DN chỉ quan tâm đến việc XK, không coi trọng hàng nội địa.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH