.

Đồ chơi Trung Quốc tràn chợ

.

Sau áo quần, giày dép, hàng đồ chơi Trung Quốc tiếp tục làm người mua hoa mắt với màu sắc sặc sỡ và hàng nghìn chủng loại tại các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em. Trong khi đó, hàng Việt tỏ ra thua kém khi không thể cạnh tranh về giá và độ bắt mắt.

Hàng đồ chơi Trung Quốc tràn ngập tại các chợ và siêu thị.
Hàng đồ chơi Trung Quốc tràn ngập tại các chợ và siêu thị.

Mờ mắt tìm hàng Việt

Theo quan sát của chúng tôi tại nhiều cửa hàng, quầy hàng bán đồ chơi trẻ em ở các chợ, siêu thị và một số tuyến đường như Hùng Vương, Phan Châu Trinh..., khoảng 80% mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ một số ít hàng từ Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam. Nhiều dòng hàng không hề có nhãn mác, xuất xứ, nên khi người mua hỏi, người bán mới giới thiệu là hàng Trung Quốc hoặc Đài Loan.

Trong khi hàng Trung Quốc luôn được trưng bày ở những vị trí thuận lợi, bắt mắt, nhìn vào là thấy ngay, thì hàng Việt Nam luôn nằm “lép vế” ở những góc khuất rất khó tìm, bám đầy bụi và chỉ được giới thiệu rất hờ hững khi có người hỏi đến. Hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Đà Nẵng với rất nhiều chủng loại, nhiều mặt hàng, từ thứ rất nhỏ như lục lạc, búp bê có giá vài nghìn, vài chục nghìn đồng, đến những món có giá trị cao như xe chạy pin tự lái hàng triệu đồng. Trái lại, hàng Việt chỉ xuất hiện ở những mẫu mã đơn giản như bóng nhựa, thú nhồi bông, thú nhựa...  

Tại nhiều cửa hàng chuyên đồ chơi trẻ em trên đường Hùng Vương, khi chúng tôi hỏi về xe đẩy và xe đạp cho em bé, các nhân viên tranh nhau giới thiệu hàng loạt sản phẩm Trung Quốc. Họ cho biết, hàng Việt rất hiếm và không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc do không đa dạng về mẫu mã, nên thậm chí có rẻ hơn cũng không thu hút được người mua. Cũng tại một cửa hàng trên tuyến đường này, nhân viên phải lục tìm rất lâu trong khu vực đồ cũ mới tìm được món đồ chơi lục lạc xuất xứ Việt Nam theo yêu cầu của tôi. Một người bán sỉ đồ chơi ở chợ Cồn chỉ vào giỏ đồ chơi do Việt Nam sản xuất nằm ở một góc rất cao trong hàng, nói: “Hàng Việt chỉ có vậy thôi, còn muốn màu sắc sặc sỡ phải lựa hàng Trung Quốc. Ở đây tụi chị bán hàng mình ít được nên không nhập về”. Còn một nhân viên ở Siêu thị Big C cho hay, trong đa số các dòng sản phẩm, hàng Việt không thể thay thế nổi, hoặc không có để thay thế hàng Trung Quốc.

Người mua không quan tâm đến xuất xứ sản phẩm

Ở nhiều cửa hàng đồ chơi, chúng tôi ghi nhận, đa số các em bé và các bậc phụ huynh khi chọn đồ chơi thường ít chú ý đến xuất xứ, mà chủ yếu tập trung vào giá cả, màu sắc, mẫu mã. Thỉnh thoảng cũng có người chú ý đến hàng Việt nhưng không được đáp ứng vì không có hàng. Còn một số mặt hàng được giới thiệu là nhập hoặc xách tay về từ Mỹ, Úc, châu Âu... lại có giá quá cao so với túi tiền của hầu hết người mua. Chủ một cửa hàng ở đường Hùng Vương cho hay, hàng Trung Quốc được bán “ào ào”, bởi hầu như người mua không còn lựa chọn nào khác. Chị Nguyễn Vy Hạnh, có con 10 tháng tuổi mua hàng ở chợ Cồn cho biết: “Dù muốn mua hàng Việt thì tôi cũng không thể, vì hàng Việt không sắc nét, màu sắc không tươi tắn nên bé không thích. Biết là hàng xuất xứ Trung Quốc không an toàn, nhưng cũng không biết làm sao hơn”. Ông Nguyễn Thu, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Cồn cũng công nhận, tại chợ này, phần lớn lượng hàng là hàng Trung Quốc do đáp ứng nhu cầu của người mua về giá cả, màu sắc và chủng loại đa dạng.

Theo ông Thu, vì lượng hàng đồ chơi tại chợ Cồn rất lớn do đây là đầu mối cung cấp, phân phối đồ chơi cho các chợ lớn nhỏ trong thành phố, nên hằng năm Ban quản lý đều phối hợp với Chi cục QLTT thành phố tiến hành các đợt kiểm tra riêng mặt hàng này, đặc biệt vào những dịp cao điểm như lễ, Tết... Ông Thu nhận xét: “Vì chúng tôi chủ trương phạt rất nặng đối với những hộ vi phạm như tạm đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi mặt bằng, nên tiểu thương đều có ý thức không trưng bày, mua bán những đồ chơi bạo lực như súng, pháo... tại chợ. Tuy nhiên, các vi phạm về nhãn hàng hóa, chúng tôi rất khó kiểm tra vì không đủ năng lực để kết luận. Chỉ khi nào có sự việc nghiêm trọng mới đề nghị QLTT phối hợp kiểm tra đột xuất”.

Bài và ảnh: PHONG KHÁNH
 

;
.
.
.
.
.