.

Giải phóng hàng tồn kho

.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2011, có thời điểm tăng đến mức kỷ lục là 34,9% (tháng 3- 2012). Dự đoán hàng tồn kho sẽ ngày càng nhiều do nguồn cung hàng hóa trên thị trường hiện rất dồi dào, nhưng tổng cầu có xu hướng giảm, do người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Quần áo may sẵn, mặt hàng giảm giá mạnh của ngành dệt may.
Quần áo may sẵn, mặt hàng giảm giá mạnh của ngành dệt may.

Kích cầu - giải pháp hàng đầu

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, nếu không giải quyết được “vấn nạn” tồn kho thì kế hoạch cả năm 2012 khó có thể hoàn thành. Cùng với đó, khó khăn sẽ “tích”, để lại hệ lụy cho năm 2013 và những năm tới. Nhằm giải quyết tận gốc tình trạng này, cần tổ chức lại công tác xúc tiến thị trường ở tầm quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại và mở rộng tác dụng quảng bá. Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các hội chợ, khu dân cư, chương trình văn hóa – nghệ thuật thu hút đông đảo khán giả. Vì vậy, cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, của mọi người. Trong thực tế có rất nhiều doanh nghiệp (DN) có các chương trình quảng bá thành công, như các DN sản xuất sữa, kem đánh răng và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Các DN sản xuất kem đánh răng đã phối hợp rất tốt với các trường học, bệnh viện để làm công tác quảng bá sản phẩm, quảng bá hình ảnh DN, nên việc tiêu thụ khá thuận lợi.

Hiện nay, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng bao gồm các loại quần áo may mặc sẵn, hàng điện tử, xe gắn máy, xi-măng… được sản xuất trong nước có chất lượng không hề thua kém sản phẩm nhập ngoại mà giá cả phù hợp với thu nhập của người Việt Nam nhưng do công tác quảng bá, tiếp thị yếu nên người tiêu dùng không biết để mua và sử dụng. Rất nhiều mặt hàng của các DN chỉ thông qua các hội chợ, người tiêu dùng mới biết đến, trong khi DN có rất nhiều phương tiện và thời gian để quảng bá. Rõ ràng, việc tiếp thị, quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng còn hạn chế.

Tự cứu mình trước

Sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các chính sách (lãi vay ngân hàng, giảm thuế...) và sự quan tâm của người tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng giúp DN vượt qua khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, mỗi DN phải biết phát huy nội lực, tự cứu mình mới là nhân tố quyết định. Hiện rất nhiều DN đi đôi với đẩy mạnh sản xuất là việc hạ giá, thậm chí đại hạ giá bán sản phẩm để giải phóng hàng và thu hồi vốn. Đây là giải pháp bất đắc dĩ nhưng khá hiệu quả, tiến độ giải phóng hàng nhanh, thu hồi vốn nhanh, bởi thực chất các mặt hàng tồn kho ấy có giá trị là vốn vay của ngân hàng, chừng nào số hàng này còn nằm trong kho thì DN vẫn tiếp tục phải trả lãi. Các DN thuộc ngành dệt may ở Đà Nẵng cũng triển khai hình thức hạ giá để tiêu thụ hàng tồn kho, tuy nhiên, mức hạ còn thấp và chỉ được triển khai tại các cơ sở bán và giới thiệu sản phẩm của DN, chưa quảng bá rộng rãi nên người tiêu dùng không biết, nhiều khi do đại lý giấu người tiêu dùng, nên việc tiêu thụ cũng chậm.

Giải phóng hàng tồn kho là chương trình cần ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho DN hiện nay. Chương trình này cần sự chung tay, cảm thông của toàn xã hội, nhưng nỗ lực của DN là nhân tố quyết định.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.