.

Gian lận thương mại qua giá tính thuế

.

Theo đánh giá của ngành Hải quan, trong vài năm trở lại đây, tình trạng gian lận thuế xuất nhập khẩu ngày càng trở nên phức tạp. Biểu hiện rõ nhất là việc khai báo hàng hóa không đúng thực tế, không trung thực về thuế suất, chủng loại và giá trị đối với hàng hóa nhập khẩu.

Doanh nghiệp làm thủ tục ở Cục Hải quan thành phố.
Doanh nghiệp làm thủ tục ở Cục Hải quan thành phố.

Điều này không chỉ làm thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thiệt hại cho doanh nghiệp (DN)  kinh doanh chân chính. Thống kê của Cục Hải quan thành phố, 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện và xử lý 97 vụ vi phạm pháp luật hải quan, gian lận thương mại (GLTM), trong đó phạt tiền 80 vụ, xử lý 17 vụ buôn lậu và vận chuyển trái phép; kiểm tra 25 DN, phạt vi phạm hành chính hơn 422 triệu đồng và truy thu 1,4 tỷ đồng tiền thuế.

Điều đáng quan tâm hiện nay là lợi dụng chính sách của Nhà nước trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, hình thức gian lận qua giá để trốn thuế ngày càng có nhiều DN sử dụng bằng cách khai không đúng thuế suất, chủng loại, giá trị đối với hàng hóa nhập khẩu (NK)... và chủ yếu diễn ra ở những mặt hàng có thuế suất cao như ô-tô, xe máy, linh kiện điện tử, máy móc, hàng tiêu dùng... Theo phản ánh của lãnh đạo Công ty CP Cao su Đà Nẵng, riêng mặt hàng NK săm lốp ô-tô từ Trung Quốc được các DN gian lận khá nhiều, đơn cử như sản phẩm săm ô-tô 11R20, công ty nhập từ Trung Quốc có giá tính thuế là 317,6 USD/cái, trong khi đó cũng sản phẩm này, các DN khác chỉ khai báo trong tờ khai NK có giá thấp nhất là 61,5 USD, giá cao nhất là 119 USD/cái (chỉ bằng 25-32% so với giá NK của Công ty Cao su). Như vậy, chỉ tính riêng việc khai thấp giá thành này, mỗi năm Nhà nước mất hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Đó là chưa kể với giá NK khá thấp như vậy, khi bán ra DN chỉ cần ghi hóa đơn hơn 3 triệu đồng cho người mua thì một lần nữa Nhà nước lại mất thêm tiền thuế. Điều này khiến cho các DN làm ăn chân chính khó có thể cạnh tranh với các DN đó.

Điển hình cho tình trạng GLTM qua giá thông qua việc khai thấp giá hàng NK, làm giảm số thuế phải nộp, là trường hợp của Công ty TNHH Thực phẩm A.B, có trụ sở tại quận Sơn Trà, khai báo NK lô hàng cá nục nguyên con đông lạnh từ Hàn Quốc. Đơn vị này mở tờ khai NK lô hàng 25.860kg cá nục với đơn giá khai báo 0,34 USD/kg. Tuy nhiên, giá đúng của lô hàng này phải là 0,97 USD/kg, tức cao hơn đến 0,63 USD/kg so với mức giá mà công ty khai báo. Như vậy, tính ra hơn 19.291 USD giá trị tính thuế đã bị gian lận. Nhiều DN còn lợi dụng việc phân loại áp mã để tránh thuế. Cụ thể, mặt hàng có tên tiếng Anh là “Silver target”, có doanh nghiệp khai báo là “bạc khối” (nguyên liệu dùng để sản xuất đĩa CD-R) với mức thuế nhập khẩu 30%, nhưng lại có DN khai là “hộp khuôn bạc” với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.

Mặt khác, theo quy định của Luật Thuế XK, thuế NK, tùy theo từng trường hợp cụ thể, người nộp thuế có thể phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc có thời gian ân hạn thuế từ 15 ngày đến 275 ngày. Lợi dụng quy định này, một số đối tượng đã thành lập DN, thực hiện NK nhiều lô hàng nhưng cố tình nợ thuế, sau đó tự bỏ kinh doanh, bỏ trốn, hoặc tuyên bố phá sản để trốn thuế. Kiểu trốn thuế này khá phổ biến. Đó là lý do tại sao số nợ thuế lũy kế của Cục Hải quan thành phố rất lớn, tính đến cuối tháng 6-2012 là 318,2 tỷ đồng, trong đó nợ trong hạn 199,7 tỷ đồng, nợ quá hạn 31,4 tỷ đồng, nợ cưỡng chế 87,1 tỷ đồng. Đáng chú ý là trường hợp của Công ty TNHH Thương mại Nguyễn Vinh đang nợ thuế hơn 6,1 tỷ đồng và đã phá sản. Ngoài ra, còn có đến 3,7 tỷ đồng của DN bỏ trốn, mất tích, không còn tìm thấy bóng dáng DN.

Đáng quan ngại là tình trạng gian lận trong khai báo hàng hóa NK để áp giá tính thuế thấp hơn khá phổ biến và ở mức đáng báo động. Không riêng gì ở Hải quan Đà Nẵng mà hầu như các Cục Hải quan khác đều gặp vấn nạn này. Các vi phạm trên không chỉ làm ngân sách Nhà nước thất thu tiền thuế mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.