.

Hỗ trợ doanh nghiệp chưa hiệu quả

.

Nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương chưa đi vào cuộc sống, quá trình làm thủ tục để được thụ hưởng còn nhiều rào cản, chưa đáp ứng được mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và Nhà nước.

Nhà máy bỏ hoang trong KCN Liên Chiểu.
Nhà máy bỏ hoang trong KCN Liên Chiểu.

Từ chính sách

Từ đầu năm đến nay, nhiều vấn đề cấp bách của DN cả nước đã được Chính phủ xem xét tháo gỡ mang tính chất điều hành vĩ mô. Tại thành phố Đà Nẵng, các diễn đàn, hội thảo về kinh tế cũng diễn ra khá nhiều nhưng lượng đại biểu ngày càng ít đi. DN bắt đầu cảm nhận sự mệt mỏi vì có nhiều hội thảo, tập huấn họ cho là vô bổ. Nguyên nhân chính là do tình trạng bế tắc của DN chưa được tháo gỡ căn bản mà yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế lại càng khắt khe, làm cho nhiều DN có tâm lý chán nản. Chẳng hạn như Hội thảo “Dự báo kinh tế 2013 và hướng đi cho DN” kỳ vọng 700 DN khu vực miền Trung tham gia nhưng kết quả chỉ có 40 đại biểu. Các buổi tập huấn về chính sách công nghệ, kinh nghiệm hỗ trợ DN của các nước trên thế giới, chính sách gia nhập WTO... đều không nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của DN. Đại biểu thường ra về hơn một nửa vào giờ giải lao. Một số diễn đàn kinh tế của Trung ương tổ chức tại khu nghỉ mát 5 sao cũng gây nên sự bất bình trong cộng đồng DN bởi sự lãng phí ngân sách Nhà nước vẫn diễn ra ngay trong lúc Chính phủ kêu gọi tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu công.

Điều mà các DN thành phố cần nhưng chưa diễn ra, đó là một cuộc đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng DN để hai bên cùng có tiếng nói chung trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN và tìm giải pháp, hướng đi cho sự phát triển kinh tế thành phố bền vững.

Đến thời điểm hiện tại, những gì mà DN cả nước được nhận là gói hỗ trợ miễn giảm thuế 29.000 tỷ đồng của Nhà nước. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay của hệ thống NHTM đã có lộ trình giảm dần khi có yêu cầu của Thống đốc NHNN, chứ không phải vì bức xúc của DN.

Riêng thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay đã ban hành 3 chương trình ưu đãi lớn về hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất quà tặng lưu niệm để phục vụ phát triển du lịch thành phố; hỗ trợ DN sản xuất và gia công phần mềm để xuất khẩu. Ngoài ra, còn có các cam kết về chủ trương thành lập cụm công nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ vốn vay cho DN từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố.

Đến thực tiễn

Tuy nhiên, như một số chuyên gia nhận xét, gói hỗ trợ miễn giảm thuế 29.000 tỷ đồng của Nhà nước mới chỉ đủ cho DN đỡ “thoi thóp” chứ chưa thể giải quyết cơ bản tình hình. Vì trong đó, chính sách giãn nộp thuế GTGT có thời hạn chỉ 6 tháng nhưng vẫn nằm trong niên hạn 2012 nên vẫn  là thách thức lớn đối với cộng đồng DN.

Lãi suất cho vay mới và nợ cũ của ngân hàng giảm xuống 15%/năm nhưng chỉ theo chủ trương kêu gọi, vận động của Thống đốc NHNN, nên nơi làm, nơi không, chủ yếu là các ngân hàng có vốn Nhà nước thực hiện. Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến cho biết: Mức lãi suất cho vay phổ biến của các NHTMCP hiện vẫn là 17%/năm nên DN vẫn chưa nghĩ đến chuyện vay để sản xuất, có chăng là vay để hoạt động cầm chừng, giữ chân lao động. Với chi phí tài chính này, liệu DN trong nước có cạnh tranh được với các DN trong khu vực (ví dụ, lãi suất của Trung Quốc cao nhất là 6,5%, Thái Lan 6%, Indonesia 4%). Ông Trịnh Bằng Có, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phải thừa nhận rằng, ngay cả những DN kinh doanh du lịch của Đà Nẵng được xem là họat động khá ổn định trong điều kiện lượng khách du lịch đến Đà Nẵng vẫn tăng 9% trong 6 tháng đầu năm, cũng đang “ăn vào vốn”, vì lợi nhuận làm  ra mới chỉ đủ trả lãi ngân hàng mà thôi.

Những DN xuất khẩu có uy tín như Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước... mới có thể vay tín chấp, còn lại doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có bao nhiêu tài sản đã thể chấp hết rồi, nên giờ lãi suất có giảm cũng không đủ điều kiện để vay vốn  ngân hàng được.

Các chính sách hỗ trợ của thành phố đối với DN hiện nay cũng không “dễ thở” chút nào. Ví dụ, đối với chính sách hỗ trợ xuất khẩu phần mềm, DN phải có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 200.000 USD/năm và năm sau cao hơn năm trước ít nhất 10%. Chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ mà UBND  thành phố đã ban hành và giới thiệu rộng rãi 5 tháng nay nhưng vẫn chưa có DN nào đăng ký vì những điều kiện cần cũng chỉ rơi vào những DN “khỏe”. Các sản phẩm lưu niệm muốn được nhận chính sách hỗ trợ của thành phố phải đạt các yêu cầu cơ bản như thể hiện được đặc trưng riêng biệt của Đà Nẵng; có tính độc đáo, sáng tạo và mỹ thuật...

Trong 6 tháng đầu năm, ngành thuế thành phố đã thống kê có 1.300 doanh nghiệp bỏ trốn khỏi trụ sở, chưa kể số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, càng làm cho nguồn thu ngân sách của thành phố sụt giảm. Cộng đồng DN cho rằng, chính sách tiền tệ đã quá thắt chặt, không đúng như tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ là “chính sách tiền tệ chặt chẽ”. Việc tháo gỡ khó khăn cho DN về lâu dài rất cần sự chủ động của địa phương thông qua thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng hoặc quỹ hỗ trợ DNNVV để không quá lệ thuộc vào hệ thống NHTM như hiện nay.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.