Tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã được đề cập từ năm 1998 theo Chỉ thị 45/CT-TW ngày 11-11-1998 của Bộ Chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Suốt nhiều năm, trên 12.000 hội viên Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cũng ở trong tình trạng “lực bất tòng tâm” đối với trách nhiệm tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội hiện nay.
Khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng chưa có quy hoạch chi tiết. |
Khó thực thi
Năm 2012, ngân sách thành phố cấp cho Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (LHH) 40 triệu đồng, chỉ đủ để trang trải các hoạt động của văn phòng và một số hoạt động thường xuyên của tổ chức. Nếu may mắn có một đề xuất nào về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH được thành phố chấp thuận thì công việc đầu tiên không phải là tập hợp, tìm kiếm đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia mà phải đi “xin” nguồn kinh phí. Khó khăn này bắt nguồn từ cơ chế chính sách vĩ mô chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định về kinh phí hoạt động khiến cho công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong cả nước rất mờ nhạt. Cũng chính vì lẽ đó mà LHH đã nhiều lần bàn thảo, tự nhận thiếu sót nhưng không thể khắc phục hết nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.
Theo ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng ban Tư vấn, phản biện, giám định xã hội LHH, đã có thời kỳ Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố Đà Nẵng hoạt động rất hiệu quả, tham gia góp ý, tư vấn phản biện các đồ án quy hoạch, công trình kiến trúc có quy mô lớn, vị trí quan trọng trên địa bàn thành phố nhưng đã giải tán cách đây vài năm mà “không có lý do”. Ông Chung cho biết thêm, LHH đã có hàng loạt đề xuất của các hội nghề nghiệp đối với những đề án, dự án có tính tương đối cấp bách cần phản biện như Đề án điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; phản biện giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi và phương án thông thuyền; phản biện về cách thức tổ chức phun lửa cầu Rồng. Một số đề án khác cần có tư vấn như quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm thành phố, quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị, giải pháp chống ngập lụt đô thị, lựa chọn chủng loại cây xanh phù hợp đô thị, chủ trương phát triển tàu điện ngầm, đường sắt trên không, đề án phát triển nghề cá - đánh bắt xa bờ...
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, các ngành khoa học xã hội và nhân văn có rất nhiều đề tài cần tư vấn và phản biện xã hội để phục vụ phát triển kinh tế và xây dựng thành phố đáng sống như quy hoạch bảo tàng văn hóa biển, thăm dò địa chất, bảo tồn di tích... để đi tìm tiếng nói chung giữa lãnh đạo thành phố và nhà khoa học vì lợi ích của nhân dân.
Không chỉ LHH mà cả Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng đảm nhận trọng trách phản biện xã hội, góp phần phát huy hơn nữa dân chủ để người dân, các cộng đồng có thể có ý kiến với những đường lối, chính sách, dự án mà họ đang là đối tượng chịu tác động. Hàng loạt vấn đề thúc bách đặt ra cần có sự tham gia của đội ngũ các nhà khoa học nhưng đều bị trói buộc bởi không có kinh phí.
Cần có sự chuyển biến
Thành phố Đà Nẵng có khá nhiều kỳ tích trên nhiều lĩnh vực được cả nước và quốc tế biết đến. Nhưng trong bức tranh phát triển năng động trên chặng đường đổi mới chắc chắn sẽ nảy sinh những mặt trái và thiếu sót. Điều này bắt nguồn từ việc làm chính sách nhưng không đủ điều kiện thực hiện các công trình nghiên cứu và tư vấn khoa học. Luật sư Đỗ Thành Nhân, Phó trưởng Ban Tuyên huấn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho rằng, nguyên tắc của tranh luận để làm chính sách là dựa trên chứng cứ, cơ sở pháp lý và logic, chứ không thể chỉ căn cứ vào cảm tính hay thực tiễn trước mắt.
Trăn trở của các nhà khoa học về hành trình đã gần 20 năm thành phố xây dựng và phát triển các khu công nghiệp nhưng kết quả hôm nay như thế nào? Các dự án du lịch ven biển đã thực hiện đúng các cam kết về môi trường hay chưa? Đề án các sản phẩm chủ lực của thành phố đã đi đến đâu?... Vẫn chưa có một nghiên cứu, đánh giá, giám định xã hội nào về mức độ hiệu quả kinh tế- xã hội của các dự án trên.
Đội ngũ các nhà khoa học thành phố mong muốn và tâm huyết thành lập Hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội với cơ chế hoạt động thuận lợi để phản ánh một cách chuyên nghiệp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, Đà Nẵng sẽ có những đề án phản biện xã hội kịp thời nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển. Tất nhiên việc đánh giá sẽ khách quan khi được đưa ra từ những tổ chức độc lập như LHH, có mục tiêu hoạt động là phục vụ lợi ích xã hội, chứ không phải là lợi nhuận và cũng không phải là các cơ quan Nhà nước.
Bài và ảnh: THU PHƯƠNG