Không ít lời quảng cáo truyền tai về sản phẩm giúp làm đẹp da, dễ mua, giá rẻ, tác dụng nhanh chóng, nhiều chị em vì thiếu hiểu biết đã mua phải mỹ phẩm tự chế có nguy cơ biến đẹp thành… xấu.
Sử dụng mỹ phẩm cần được tư vấn để mang lại hiệu quả. |
101 kiểu pha chế kem dưỡng da
Gặp chúng tôi, chị L.T.N.A (kinh doanh ngành hàng hóa mỹ phẩm chợ Nam Ô) giới thiệu: “Bữa nay chị có loại kem này tốt lắm. Da mặt có vết nhăn chỉ dùng vài tuần là láng mịn liền hà. Nó còn giúp cho da trắng rất nhanh và không bị lên mụn”. Sản phẩm dưỡng da mà chị A. đưa ra là một hũ nhựa không đóng gói, không có nhãn mác, nơi sản xuất. Hỏi ra thì chị cười: “Đây là kem dưỡng mặt do chị tự làm đó. Chị bán cả chục hũ rồi, đâu có ai phàn nàn chi đâu. Giá 50.000 đồng/hũ, dùng hết mà thấy tốt thì lại mua tiếp cho chị”. Cô sinh viên đi theo tôi đang ao ước có một làn da trắng như sữa liền móc tiền mua ngay. Hỏi về công thức pha chế, chị tiết lộ: Thành phần khá đơn giản như dùng vitamin E (mua ở tiệm thuốc tây) trộn với hũ sữa dê đánh đều lên rồi chiết ra các lọ nhựa, đậy nắp là có ngay một loại sữa dưỡng da mặt có đủ công dụng, mới nghe qua ai cũng muốn đắp liền.
Ở chợ Túy Loan (Hòa Vang), một lần chúng tôi thấy nhóm chị em quầy mỹ phẩm bận rộn với việc đổ, pha, đánh, trộn những thứ nhìn như bột dẻo. Dò hỏi mới biết, các chị đang pha chế hỗn hợp đắp mặt cho phụ nữ. Một chị tên Hương hào hứng kể: “Mấy loại kem chị tự chế có hiệu quả lắm. Mấy bà bán thịt heo, thịt bò cũng ra mua rồi dùng thử thì thấy da có trắng và láng hẳn lên. Không tin, em cứ dùng thử đi”. Về nguồn gốc nguyên liệu pha chế, chị Hương khẳng định: “Mấy thứ đó, mua đâu mà không có. Chẳng qua mọi người không biết làm thôi, chứ sữa chua với mật ong, dầu ô-liu pha trộn lại là tạo ra kem dưỡng tốt nhất!” Gần đây, tại một số tiệm uốn tóc có quảng cáo gel lột da chân, da tay, tẩy tế bào chết. Khách hàng có nhu cầu sẽ được bôi lên 2 lớp (mỗi lớp cách nhau 15 phút), sau đó ngồi gỡ từng mảng da mỏng như tấm nilon trông thật sợ. Chị chủ tiệm tóc không quên trấn an: “Không đau đâu mà sợ, nhưng nhớ phải mang tất dày thường xuyên để tránh nắng nghe em”. Dù lo sợ, nhưng vì làm đẹp, nhiều khi các chị em bỏ qua sự cảnh giác đáng có.
Hậu quả khó lường
Mới đây, Lê Thị Thanh (SV Trường Cao đẳng Giao thông vận tải) sau khi mua loại kem trộn ở chợ Nam Ô dùng thử 2 lần thì da bắt đầu phản ứng bằng những nốt ửng mẩn đỏ, mụn cục nhô lên phải nghỉ học mất một tuần. Sau khi đi khám ở Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, các bác sĩ kết luận nhiễm trùng da do dị ứng và khuyên em không nên tin dùng bất cứ sản phẩm làm đẹp nào không được cơ quan y tế kiểm nghiệm và chứng nhận.
Chị Hà Thanh (chủ thẩm mỹ viện-Spa trên đường Thái Thị Bôi) cho hay, chị thường xuyên phải giải quyết hậu quả làm đẹp cho nhiều khách hàng là nạn nhân của mỹ phẩm trôi nổi. “Ban đầu mới sử dụng, khách hàng thấy rất rõ thay đổi trên da. Nhất là những sản phẩm được quảng cáo có công dụng làm trắng cấp tốc. Chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần da lột nhẹ rồi bong tróc, khiến da mịn màng như da em bé. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, da sẽ bị mài mòn, sạm đen, nám do bị tác động của hóa chất mỹ phẩm không an toàn. Tôi luôn khuyên các khách hàng cần phải có chế độ chăm sóc da đúng cách và khoa học”. Dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy (nhà thuốc đường Nguyễn Lương Bằng) chia sẻ: “Đã có khá nhiều người tới tiệm thuốc tây để mua oxy già, vitamin E về hòa với nước cốt chanh để đắp mặt, rồi sau đó phải lo lắng và nhờ tư vấn cách chữa trị. Những loại mỹ phẩm có uy tín trên thị trường bao giờ cũng được các chuyên gia nghiên cứu, đặc chế rất kỹ lưỡng. Và quan trọng khi lưu hành đều có giấy phép của cơ quan chức năng mới đáng tin cậy”.
Nắm bắt tâm lý của những phụ nữ ít tiền và mong muốn giải quyết nhanh tình trạng da xấu, nhiều người buôn bán vô tư tự sáng chế nhiều loại kem và tự thổi phồng công dụng. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm tự phát như thế này rất khó. Hằng năm, Chi cục QLTT thành phố đã phát hiện và tiêu hủy rất nhiều mỹ phẩm là hàng lậu, hàng nhái trên thị trường. Về góc độ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, ông Đoàn Ngọc Minh, Chánh Văn phòng Hội Bảo vệ người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng, cho rằng: Với những phản ánh của người dân về trường hợp mua phải hàng kém chất lượng như trên rất khó để Hội can thiệp. Nếu người tiêu dùng mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ rõ ràng khi có khiếu nại, Hội mới có cơ sở để làm việc với nhà sản xuất và khách hàng. Như vậy, để không muốn “tiền mất tật mang”, người tiêu dùng cần cảnh giác trước những quảng cáo làm đẹp thiếu khoa học.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH