.

Ngán ngẩm với giá xăng dầu

.

(ĐNĐT) – Chỉ chưa đầy một tháng, giá mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng thêm 2.400 đồng/lít, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Từ các hãng vận tải, taxi, các doanh nghiệp…cho tới bác xe thồ khi được hỏi đều cho biết, họ chẳng còn quá ngạc nhiên nữa mà chỉ thấy ngán ngẩm bởi có thêm biết bao khó khăn dồn lại.

Mỗi lần xăng tăng giá là người tiêu dùng lại phải móc thêm hầu bao không nhỏ.
Mỗi lần xăng tăng giá là người tiêu dùng lại phải móc thêm hầu bao không nhỏ.

Taxi đã tăng 500-1.000 đồng/km, xe khách đang chờ tăng

Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi thành phố Đà Nẵng, cho biết do đợt tăng giá xăng dầu lần này khá lớn nên các hãng taxi đã họp bàn và thống nhất điều chỉnh giá cước mới tăng thêm 500-1.000 đồng/km tùy theo từng dòng xe bắt đầu từ hôm nay (15-8).

“Mỗi lần tăng giá cước taxi là các đơn vị lại phải chi tốn ít nhất từ 50-70 triệu đồng cho công tác kiểm định đồng hồ tính cước, chưa kể chi phí đi lại, tốn kém thời gian….nhưng trước việc giá xăng dầu tăng quá nhanh và liên tục trong thời gian qua khiến chúng tôi cũng chẳng đặng đừng khi buộc phải tăng thêm cước”, ông Nhân cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Nhân, đây là giá tăng đã tính toán kỹ lưỡng và dự trù cả tình huống dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng nữa trong thời gian tới, nhất là thời điểm gần cuối năm. “Việc tăng mức này là đã dự tính cả đợt xăng dầu tăng tiếp theo để khi xăng dầu có tăng thêm khoảng 500 đồng/lít thì chúng tôi sẽ không phải mệt mỏi cho việc điều chỉnh giá cước liên tục”, ông Nhân nói.

Còn theo ông Lê Viết Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phẩn Vận tải và quản lý Bến xe Đà Nẵng, việc xăng dầu lại liên tục tăng giá thời gian qua cũng khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn bởi hiện tại lượng khách thưa vắng, chi phí nhiên liệu đội lên nhưng cước thì chưa được điều chỉnh tăng thêm.

“Mặc dù xăng dầu tăng nhưng các doanh nghiệp vận chuyển hành khách hiện vẫn chưa có thông báo tăng giá vé mà họ phải gồng mình chấp nhận chịu lỗ trong thời gian đầu để chờ đợi điều chỉnh giá cước mới vào thời gian tới”, ông Hoàng cho hay.

Khó khăn chồng chất

Tính từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại, giá xăng dầu trong nước đã có 10 lần điều chỉnh với 5 lần tăng và 5 lần giảm. Thực tế cho thấy tổng số 5 lần tăng, giá xăng tăng tới 5.400 đồng/ lít; trong khi sau 5 lần giảm, mức giá chỉ hạ xuống 3.200 đồng.

Các lần tăng, giảm giá xăng từ đầu năm

Ngày 7-3: tăng 2.100 đồng lên 22.900 đồng/lít

Ngày 20-4: tăng 900 đồng lên 23.800 đồng/lít

Ngày 9-5: giảm 500 đồng xuống 23.300 đồng/lít

Ngày 23-5: giảm 600 đồng xuống 22.700 đồng/lít

Ngày 7-6: giảm 800 đồng xuống 21.900 đồng/lít

Ngày 21-6: giảm 700 đồng xuống 21.200 đồng/lít

Ngày 2-7: giảm 600 đồng xuống 20.600 đồng/lít

Ngày 20-7: tăng 400 đồng lên 21.000 đồng/lít

Ngày 1-8: tăng 900 đồng lên 21.900/lít

Ngày 13-8: tăng 1.100 đồng lên 23.000/lít.

Ông Nguyễn Hữu Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Song Toàn tỏ ra ngán ngẩm khi được hỏi về vấn đề xăng dầu mới tăng thêm trong mấy ngày vừa qua. “Hàng hóa vận chuyển thời gian qua đã ít, đơn đặt hàng cũng chỉ có một chiều, giờ lại thêm vụ xăng dầu tăng giá nữa chỉ khiến chúng tôi thêm chồng chất khó khăn hơn nữa”, ông Thùy nói.

Ông Thùy cho biết, chi phí vận tải hàng hóa, nhất là vận tải đường bộ bằng container khi xăng dầu tăng sẽ khiến nhiều chi phí khác cũng tăng lên nhiều bởi riêng chi phí nhiên liệu đã chiếm gần 50% giá thành.

Thời gian gần đây đa số đơn hàng vận chuyển chỉ một chiều từ TP. Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng, còn chiều vào xe hầu hết chạy rỗng tuyến. Với một chuyến xe từ Đà Nẵng vào TP. Hồ Chí Minh tiêu tốn cả ngàn lít dầu, nên khi xăng dầu tăng giá khiến chi phí này đội thêm hơn 2%. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng, lương tài xế, ăn uống, chi phí dọc đường…cũng sẽ vin vào cớ này để tăng thêm.

“Mặc dù chúng tôi đã cố gắng thắt lưng buộc bụng để không tăng giá trong hai đợt xăng dầu tăng vừa qua nhưng đợt này lại tăng quá nhiều nên chúng tôi đã phải tính toán để có phương án điều chỉnh giá chứ không thể sống nổi. Cuối cùng vẫn cứ người tiêu dùng là chịu nặng nhất”, ông Thùy cho hay.

Còn ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước thì tỏ ra khá căng thẳng và cho rằng, việc tăng giá xăng dầu đã gần như là chuyện thường ngày nên “thực sự chẳng buồn quan tâm vì đã rất nhiều lần ý kiến, đề nghị nhưng giá tăng vẫn cứ tăng”.

“Xăng dầu tăng thì vật giá sẽ lại tăng, kéo theo nhiều chi phí khác cũng đội giá. Khó khăn đã thấy rõ ngay trước mắt nhưng doanh nghiệp cũng phải chấp nhận “sống chung” với nó chứ chẳng thể làm gì hơn. Có muốn cắt giảm để tiết kiệm nhưng cũng chẳng biết cắt giảm thứ gì, bộ phận nào nữa. Giá như chúng tôi giàu có hơn để có đủ tiền chuyển công ty ra nước ngoài thì chúng tôi đã dời đi rồi”, ông Lĩnh ngán ngẩm nói.

Đại diện nhà xe A.T (Đà Nẵng), đơn vị chuyên cho hợp đồng thuê xe du lịch cũng tỏ ra chán ngán khi nhắc tới việc tăng giá xăng dầu. “Khi xăng dầu giảm một chút chúng tôi cũng giảm cước, nhưng giờ tăng buộc chúng tôi sẽ phải làm việc cùng các đối tác để thống nhất tăng lên tương ứng mặc dù không muốn. Tuy nhiên, với 40 đầu xe, chi phí cho nhiên liệu chiếm 40% trong giá thành, giờ giá xăng dầu tăng khiến chi phí này đội thêm 12% nữa thì con số này là không nhỏ”, vị đại diện xin giấu tên cho biết

Chuyện xăng dầu tăng liên tục cũng là vấn đề khiến những người hành nghề xe thồ càng trở nên đau đầu. Khi được hỏi, xăng tăng giá xe thồ có tăng theo, một ông xe thồ ở ga Đà Nẵng ngập ngừng: “Xăng tăng, rồi cái thứ gì cũng tăng theo. Mặc dù biết nếu xe thồ cũng tăng giá chắc chắn khách sẽ vắng đi nhưng cũng phải theo thôi chú ạ”.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.