(ĐNĐT) – Đa số ý kiến đều cho rằng, việc đưa ra quy định xử phạt với hành vi nghe điện thoại ở cây xăng là tốt bởi nó góp phần hạn chế những nguy hiểm cháy nổ ở cây xăng. Tuy nhiên, theo nhiều người dân và giới chuyên môn, hành vi này rất khó phạt và có thể rơi vào quên lãng như nhiều quy định khác…
Theo nội dung của nghị định 52/2012 của Chính phủ, từ ngày 5-8-2012, hành vi nghe điện thoại ở cây xăng có thể bị phạt tiền đến 5 triệu đồng. Đây được coi là mức phạt rất cao nhằm hạn chế nguy cơ cháy nổ ở cây xăng.
Chỉ nhắc nhở
Mặc dù có dán bảng cấm sử dụng điện thoại khi đổ xăng nhưng một số người vẫn không chú ý. (Ảnh chụp sáng ngày 8-8 trên đường Trưng Nữ Vương - Đà Nẵng). |
Theo anh Phan Công Đăng, nhân viên cửa hàng xăng dầu số 125 Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), kể từ khi có quy định này, cửa hàng đã dán bảng cấm ở ngay cạnh các cột bơm để khách hàng có thể nhìn thấy và thực hiện.
“Vài ngày qua tôi thấy đa số người dân vào đổ xăng đều chấp hành rất tốt. Hầu như người dân đã có ý thức cao nên tình trạng này không xảy ra, song thi thoảng vẫn có một vài người vừa dừng xe đổ xăng thì có cuộc gọi tới nên họ vẫn lấy máy ra nghe”, anh Đăng nói.
Anh Đăng cho biết, khi có khách nghe điện thoại, anh cũng như các nhân viên khác cũng chỉ biết nhắc nhở mà thôi. “Thường chúng tôi chỉ nhẹ nhàng nhắc họ đứng ra xa chút để nghe nếu cuộc gọi quan trọng”, anh Đăng nói.
Tương tự, nhân viên cửa hàng xăng dầu Sông Hàn (đường 3-2, quận Hải Châu) Trần Công Hậu cho biết, thi thoảng có một vài người còn vi phạm nhưng chỉ nhắc nhở là họ vui vẻ chấp nhận.
Quan sát trong vòng nửa giờ đồng hồ tại cây xăng này, chúng tôi nhẩm đếm có hơn 40 người vào đổ xăng nhưng hầu như không có ai lấy máy điện thoại nghe hay gọi.
Tại cây xăng nằm ở ngã tư đường Quang Trung - Đống Đa (quận Hải Châu), trong vòng 30 phút tại đây có hơn 150 người ghé đổ xăng nhưng hầu hết đều chấp hành khá tốt. Có một vài người khi dừng xe, mới chuẩn cầm điện thoại ra khỏi túi liền bị các nhân viên nhắc nhở và sau đó cất đi.
Với những người dân khi vào đổ xăng tại các cây xăng, khi được hỏi về quy định này, hầu hết đều cho biết đã nghe trên các các kênh thông tin đại chúng, qua báo chí và đều bày tỏ sự đồng tình. Tuy nhiên, có nhiều người lại tỏ ra lo lắng vì quy định này sẽ khó khả thi.
“Tôi thấy trước đã có quy định như hút thuốc lá nơi công cộng, nghe điện thoại khi đang điều khiển mô tô, xe máy… sẽ bị phạt nhưng bấy lâu nay tôi vẫn gặp nhiều nhưng cũng không thấy ai bị phạt gì cả, bữa nay chắc cũng thế. Có thể thời gian đầu người ta sợ bị phạt nên chấp hành tốt, còn sau đó mọi chuyện lại đâu vào đấy”, anh Phong (trú quận Sơn Trà) nói.
Khó thực thi!
Thượng tá Nguyễn Huy Phong, Trưởng phòng hướng dẫn về phòng cháy, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Đà Nẵng, cho biết nếu xử lý vi phạm tốt sẽ góp phần hạn chế cháy nổ và an toàn tính mạng cho mọi người.
Theo thống kê của Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, hiện nay trên toàn địa bàn thành phố có 94 cửa hàng kinh doanh xăng dầu… |
Tuy nhiên, theo ông Phong, việc này khó thực thi bởi, theo quy định người có thẩm quyền xử phạt hành chính thì khá đông, nhưng lấy ai đứng tại các cây xăng để xử lý mới là vấn đề.
“Số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thì nhiều, trong khi lực lượng công an còn mỏng. Hơn nữa họ còn lo ổn định trật tự xã hội rồi nhiều việc khác nên việc xử lý nghe điện thoại ở cây xăng rất khó thực thi”, ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, theo pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện nay, chủ tịch UBND cấp phường (xã) được phạt tiền đến 2 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp quận (huyện) được phạt tiền đến 30 triệu đồng… Đối với hành vi nghe gọi điện thoại tại cây xăng, người dân xung quanh, nhân viên cây xăng có thể cấp báo với UBND phường (xã) đến lập biên bản.
Do mức phạt của hành vi này trên 2 triệu đồng nên lực lượng chức năng phường (xã) nếu phát hiện và lập biên bản nhưng rồi sau đó sẽ chuyển biên bản lên chủ tịch UBND quận (huyện) hoặc những người có thẩm quyền khác để họ ra quyết định xử phạt.
Ngoài ra, các lực lượng khác như cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát giao thông, công an… nếu phát hiện cũng có thể lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt.
“Thường việc nghe gọi điện thoại diễn ra rất nhanh, có khi chỉ chưa đầy một phút, nên lực lượng chức năng vốn đã mỏng nên càng khó có mặt kịp tại hiện trường, do đó việc này cũng khó thực hiện”, ông Phong nói.
Cũng đồng tình với ý kiến này, luật sư Trần Cảnh Nhứt, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, cho rằng sẽ khó khả thi bởi làm sao có đủ lực lượng để triển khai cho tốt.
“Mặc dù từ trước tới nay chưa có một nghiên cứu nào cho thấy sóng điện thoại có thể gây cháy nổ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất điện thoại họ cũng đã có cảnh báo này nên chắc là cũng có cơ sở nào đó. Tôi nghĩ nếu quy định này thực hiện tốt sẽ đảm bảo an toàn tính mạng không chỉ riêng với người sử dụng điện thoại mà cho cho mọi người xung quanh khi đổ xăng”, luật sư Nhứt nói.
Theo ông Phong, trước mắt nên sử dụng hình thức tuyên truyền cho các chủ cửa hàng xăng dầu dán bảng cấm sử dụng điện thoại tại cây xăng, và nhắc nhở người dân thực hiện rồi sau một thời gian mới có hướng xử lý.
“Tôi nghĩ nên tuyên truyền để người dân tự ý thức thì hiệu quả hơn”, ông Phong nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Đắc Mạnh