.

Nỗ lực kìm giá

.

Sau khi xăng, dầu, gas điều chỉnh tăng giá, thị trường hàng tiêu dùng đã có sự biến động, nhiều  dịch vụ vì thế cũng tăng theo.

Người kinh doanh đang cố giữ giá bởi sức tiêu thụ hàng hóa giảm.
Người kinh doanh đang cố giữ giá bởi sức tiêu thụ hàng hóa giảm.

Các tiểu thương nhìn nhận, đợt tăng giá xăng, dầu mới đây, ngay lập tức đã có sự thương lượng tăng thêm vài chục ngàn cho một đợt chở hàng từ những người chở hàng từ chợ đầu mối Hòa Cường về chợ lẻ. Chị Tuyết, hộ bán lẻ rau củ ở chợ Hòa Khánh cho biết: “Bữa nay sinh viên nghỉ hè về quê bắt đầu quay trở lại nên mua bán đã sôi động hơn. Giá rau củ gần như đã tăng mấy đợt rồi, sau khi giá xăng, gas giảm mà giá thực phẩm vẫn y nguyên. Bây giờ hàng thiết yếu lại tăng thêm mỗi thứ một ít.”. Tình hình giá nhiên liệu tăng phần nào ảnh hưởng đến giá dịch vụ ăn uống. Chị Loan, chủ quán bún Thương trên đường Điện Biên Phủ tỏ ra thông cảm: “Ngày nào khách quen của tôi cũng ăn sáng ở đây và chỉ trả 15-20.000 đồng/tô bún, chừ tăng thêm họ chuyển sang chỗ khác hoặc tự ăn ở nhà thì mình mất thu nhập luôn. Thay vì tăng giá thì mình giảm bớt chút thịt”. Quan sát chung của chúng tôi, giá các mặt hàng ăn không tăng nhiều nhưng chất lượng đã giảm.

Với những người buôn bán nhỏ lẻ, việc tăng giá tuy có ảnh hưởng nhưng không nhiều nhưng những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lớn thì khác. Đại diện Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản- Vissan cho biết: Giá xăng dầu, điện, gas đang tăng cao mà doanh nghiệp điều chỉnh giá bán ngay lập tức thì sẽ đẩy mình vào thế bí, nên không còn cách nào khác đành chấp nhận chịu đựng rồi tính tiếp. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cước hàng hóa, đã có một số nhà xe điều chỉnh giá cước nhưng không dám tăng nhiều. Ông Long, nhà xe Thịnh Phát phân tích: Đối với vận tải hàng hóa, nhiên liệu chiếm 40% cơ cấu giá thành vận chuyển. Để có giá cước hợp lý và giữ chân khách hàng, các nhà xe phải cân nhắc kỹ rồi mới điều chỉnh giá cước khi giá xăng dầu lên, xuống. Thực tế, một số lái xe vận tải hành khách và hàng hóa “xin” thêm khách hàng chút đỉnh bởi theo một tài xế chạy tuyến Đà Nẵng – Hà Nội cho hay: “Hành khách thông cảm chứ nhà xe bây giờ chịu nhiều áp lực lắm, hết tăng giá nhiên liệu, rồi nhân công, thuế, phí đường bộ...”.

Theo ngành Công thương, tháng 7 là thời điểm lượng khách du lịch đến Đà Nẵng nhiều cùng với các sự kiện được tổ chức như các cuộc thi sắc đẹp, thể thao... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia hội chợ, trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mại để đẩy mạnh bán ra góp phần làm cho thị trường sôi động hơn tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 ước đạt 4.300 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng ước đạt trên 29 nghìn tỷ đồng, đạt 57,9% so với kế hoạch, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2011. Dự báo trong tháng 8 và 9-2012, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng trong nhân dân sẽ tăng lên đáng kể khi con em bước vào năm học mới. Đây cũng là lúc sản xuất và kinh doanh tăng tốc nhằm phục vụ cho cung cầu của thị trường những tháng cuối cùng của năm. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) TP. Hồ Chí Minh, nhận định: Khi người tiêu dùng có tiền họ mới tính đến chuyện mua sắm.Vì vậy, để thị trường có những tác động tích cực, cần những hỗ trợ từ phía Nhà nước như: giảm một số loại thuế, phí, hỗ trợ lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân…Về phía các doanh nghiệp cần giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Lúc đó, thị trường mới có tín hiệu sáng hơn ở những tháng cuối năm.

Bảng so sánh giá hàng tiêu dùng:

Mặt hàng                         Tháng 7                        Tháng 8

Gạo thường                11.000 đồng/kg          10.000 đồng/kg
Dầu ăn Neptune        45.000 đồng/lít           42.000 đồng/lit
Mì chính Aone             47.000 đồng/kg            Nguyên giá
Gà ta nguyên con    155.000 đồng/kg        160.000 đồng/kg
Tôm sú                      200.000 đồng/kg            Nguyên giá
Thịt heo mông            90.000 đồng/kg        100.000 đồng/kg
Thịt bò loại 1             230.000 đồng/kg            Nguyên giá
Cá thu vừa                 160.000 đồng/kg        165.000 đồng/kg
Rau muống bó lớn       8.000 đồng/bó            Nguyên giá
Cà chua                        10.000 đồng/kg         10.500 đồng/kg
Dưa leo                           9.000 đồng/kg         10.000 đồng/kg
Ớt đỏ nhỏ                     40.000 đồng/kg             Nguyên giá
Cam sành loại 1         35.000 đồng/kg         36.000 đồng/kg
Dưa hấu                       13.000 đồng/kg             Nguyên giá

(Nguồn: Chợ Cồn)

Giá cước vận tải                         Tháng 7                            Tháng 8

Đà Nẵng-Hà Nội CLC     340.000 đồng/vé nằm      380.000 đồng/vé
(Đại Phát)
Đà Nẵng - Vinh CLC        230.000 đồng/vé ngồi            Nguyên giá
(Dương Hồng)
Đà Nẵng-Huế CLC             50.000 đồng/vé                     Nguyên giá 

(Nguồn: Bến xe Trung tâm Đà Nẵng)

 

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.