.

Phát triển ngành in

.

Đến nay, toàn thành phố có 6 cơ sở in lớn và hàng chục cơ sở in tư nhân khác. Đứng đầu trong các cơ sở này là Công ty CP In và dịch vụ Đà Nẵng, cơ sở in của Công ty TNHH MTV XSKT và Dịch vụ in Đà Nẵng, Công ty in Báo Nhân Dân Đà Nẵng... với sản lượng hằng năm có thể đạt tới 15 tỷ trang in tiêu chuẩn (khổ 13 x 19cm), đáp ứng đầy đủ nhu cầu về in ấn của thành phố và các tỉnh lân cận.

Thiết bị in hiện đại của Công ty TNHH MTV XSKT và Dịch vụ in Đà Nẵng.
Thiết bị in hiện đại của Công ty TNHH MTV XSKT và Dịch vụ in Đà Nẵng.

Thành tựu đáng ghi nhận đầu tiên là toàn bộ các cơ sở in lớn đã thực hiện công nghệ số với 4 màu, đáp ứng được mọi nhu cầu in có chất lượng cao. Công ty in Báo Nhân Dân in 4 màu các loại báo từ tờ rời sang in giấy cuộn với tốc độ rất cao, in được hàng chục tờ báo ngày với sản lượng hàng chục vạn bản/ngày đêm. Hầu hết các tờ báo lớn ra hằng ngày như Nhân Dân, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ, Quân đội Nhân dân, Đà Nẵng… đều được in ở Đà Nẵng với số lượng lớn. Các Công ty CP In và dịch vụ Đà Nẵng, cơ sở in của Công ty TNHH MTV XSKT và Dịch vụ in Đà Nẵng in các loại sách với tốc độ và chất lượng cao theo chu trình khép kín, không qua các công đoạn trung gian như gấp thủ công, đóng xén thủ công như trước đây. Với công nghệ ghi bản điện tử (CTP), các khâu làm phim, bình phơi thực hiện bằng công nghệ kỹ thuật số và in với công nghệ in giấy cuộn liên hoàn (in, bắc vạch...). Cuối cùng, sản phẩm là những tờ báo được gấp cẩn thận hoặc những quyển sách chỉ ráp bìa là đến được ngay với bạn đọc. Các cơ sở in chuyên dụng như cơ sở in Bưu điện, Công ty TNHH MTV XSKT và Dịch vụ in Đà Nẵng đã in được toàn bộ hóa đơn tiền điện thoại và nhiều loại hóa đơn khác, in vé số đạt yêu cầu cao về mỹ thuật và chống làm giả.

Ông Trần Trung, Giám đốc Công ty CP In và dịch vụ Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam phụ trách khu vực miền Trung, cho biết 5 năm gần đây là thời kỳ các doanh nghiệp in thành lập mới nhiều nhất. Trong đó, khu vực miền Trung nói chung và địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Tuy nhiên, do sự quản lý còn chồng chéo giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan quản lý ngành và cơ quan cấp giấy phép đầu tư nên việc phát triển của ngành in trên địa bàn còn mang tính tự phát. Hiện nhu cầu in của cả thành phố chỉ có đủ việc làm và khai thác được 50% công suất của các cơ sở in hiện có. Điều này gây ra nhiều hệ lụy cho việc phát triển ngành in trong tương lai, nhất là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng nhiều đến việc đầu tư mới và việc làm của người lao động. Hiện toàn ngành in trên địa bàn thành phố có khoảng gần 1.000 lao động, nhưng có cơ sở trong thời gian dài công nhân không có việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập. Trong khi đó, nhu cầu về in các loại bao bì cho các sản phẩm hàng công nghiệp và hàng xuất khẩu khá cao, nhưng các cơ sở in lại không đáp ứng được vì các cơ sở ít đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đánh giá của Hiệp hội In Việt Nam, trong khối in bao bì ngày một vắng bóng các doanh nghiệp Nhà nước và ngược lại có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp của các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư khá bài bản, hiện đại, đang trở thành các đối thủ cạnh tranh đáng kể với các doanh nghiệp trong nước.

Để ngành in phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch ngành và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Đặc biệt, cần có định hướng lâu dài, nhất là những lĩnh vực có nhu cầu cao của sản xuất và xuất khẩu, để xây dựng ngành in Đà Nẵng ngang tầm với cả nước.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.