.

Hàng khuyến mãi, hàng tăng giá

.

Qua mấy đợt tăng giá xăng, dầu, gas gần đây, thị trường hàng hóa đã bắt đầu có sự điều chỉnh tăng thấy rõ. Tại các siêu thị, nhiều nhóm hàng chưa tăng vì đang khuyến mãi, nhưng cũng có nhiều mặt hàng giá đã vọt lên.

Cuộc sống của người lao động còn khó khăn khi giá cả tiếp tục tăng.
Cuộc sống của người lao động còn khó khăn khi giá cả tiếp tục tăng.

Chia nhỏ để tăng giá

“Bất cứ ngành hàng gì liên quan đến vận chuyển đều tăng giá”. Đó là khẳng định của bà Phan Như Yến, Giám đốc hệ thống Siêu thị Intimex tại Đà Nẵng. Kể từ sau thời điểm giá xăng tăng 4 lần trong hơn một tháng qua tổng cộng 3.050 đồng/lít, dầu hỏa tăng thêm hơn 2.300 đồng/lít, kéo theo các mặt hàng thực phẩm hằng ngày tăng thêm vài ngàn như trứng gà, rau xanh, thủy sản... “Việc kìm giá chỉ ở mức độ, để kinh doanh không lỗ buộc phải chấp nhận tăng giá, trừ khi siêu thị có nguồn hàng dự trữ riêng. Nhưng nếu có dự trữ riêng cũng rủi ro bởi vướng tới hạn sử dụng, chất lượng hàng hóa. Nếu nhà cung cấp chứng minh họ tăng giá là đúng thì chúng tôi buộc phải chấp nhận tăng giá. Thường thì nhà sản xuất sẽ tăng giá mặt hàng nào bán chạy trước”, bà Yến nói.

Tăng giá là khó tránh khỏi, nhưng nếu để ý sẽ thấy, việc tăng giá của nhà bán lẻ và nhà cung cấp không ồ ạt như những năm trước. Thay vào đó là sự điều chỉnh riêng lẻ, cách nhật riêng từng mặt hàng. Chẳng hạn, trong số 100 mặt hàng buộc phải tăng giá, nhà cung cấp chỉ đưa ra 7 – 8 mặt hàng cần điều chỉnh gấp, số còn lại sẽ có từng đợt tăng lẻ tẻ. Giới kinh doanh nhận định, kiểu tăng âm ỉ này được coi là cách chia nhỏ để tăng giá, khiến người tiêu dùng không phản ứng ngay tức thì. Một nhà bán lẻ khác – Co.op Mart Đà Nẵng cũng cho biết, gần đây có vài nhà sản xuất gửi các đề nghị tăng giá trong thời gian tới để hệ thống siêu thị xem xét. Các mặt hàng đề nghị điều chỉnh giá tập trung vào nhóm hàng may mặc, hàng tiêu dùng, đồ dùng nhựa, hóa mỹ phẩm, với mức tăng được đề nghị phổ biến trong khoảng 4-10%, nhưng hai bên sẽ cùng thương lượng để tăng giá không quá đột ngột.

Lựa chọn kênh mua sắm hiện đại như siêu thị để có giá bình ổn hơn hàng hóa tại các chợ, tuy vậy, nhiều người dân không khỏi thắc mắc rằng dù trưng biển giảm giá, khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng nhưng không phải sản phẩm nào cũng rẻ thực sự như quảng cáo? Việc giá cả hàng hóa vẫn đang ổn định như thông cáo của các siêu thị chỉ là tạm thời, giá sẽ tăng dần dần, như phân tích của các chuyên gia là độ trễ giá xăng cần có thời gian, riêng chi phí vận chuyển tăng sớm hơn. Như vậy, đằng sau những đợt khuyến mãi của các mặt hàng này là sự tăng giá của nhiều mặt hàng khác mà nhiều khi người tiêu dùng không để ý.

Đối phó với giá tăng?

Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đều lo ngại, với sự tăng giá dồn dập của điện, gas và xăng dầu lần này sẽ ảnh hưởng lan truyền tất cả các loại hàng hóa. Hệ quả là người dân không còn cách nào khác tự tập cho mình thói quen thích ứng với cắt giảm chi tiêu. Điều này đi ngược lại mục tiêu của Chính phủ đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, kích thích sản xuất và tiêu dùng. Trước sức ép này, người tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nhất. Nói như lãnh đạo một siêu thị nhỏ: “Nhà cung cấp tăng giá, siêu thị cũng phải tăng giá. Tất nhiên, siêu thị chỉ giảm bớt lợi nhuận, còn cuối cùng, gánh nặng chi tiêu vẫn rơi vào người dân”. Quả thực, nhìn vào giỏ hàng của người dân mua sắm tại các siêu thị trên địa bàn, hình ảnh rõ nhất là họ chỉ chọn mua những thứ thật cần thiết, đặc biệt là cho bữa ăn hằng ngày, chứ không mua thoải mái như trước kia.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Co.op Mart Đà Nẵng cho hay: “Thực tế là sức mua hiện nay không cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nếu các doanh nghiệp tăng giá đồng nghĩa với tự loại thải mình khỏi sự lựa chọn của thị trường. Vấn đề là hai bên chấp nhận chia sẻ chi phí, cắt giảm lợi nhuận để cùng “gánh bão” với mỗi hộ gia đình. Chúng tôi đã chủ động lên phương án đối phó trước “cơn bão” giá một cách thiết thực nhất có lợi cho khách hàng”.

Yếu tố quyết định trong cạnh tranh giữa các siêu thị lúc này là giá cả. Ông Trần Bình Long, Giám đốc Big C Đà Nẵng cho biết: Các chính sách bình ổn giá của Big C hiện nay là đàm phán với các nhà cung cấp để giữ giá mua vào ổn định, tránh tác động quá lớn đến sức mua người tiêu dùng. Một khi không thể không tăng, các nhà bán lẻ đặt ra yêu cầu tăng giá phải hợp lý và có sự thống nhất về thời gian và mức tăng không quá lớn. Big C cũng yêu cầu các nhà cung cấp cùng hợp sức với Big C để ổn định thị trường và thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo niềm tin cho khách hàng. “Bên cạnh các chương trình khuyến mãi thường xuyên, từ đầu tháng 7 đến nay, chúng tôi đã vận động thành công 150 nhà cung cấp giảm giá hơn 300 mặt hàng thiết yếu, đồng thời bán với giá rẻ nhất trên thị trường trong vòng 2 tháng giúp người tiêu dùng được hưởng giảm giá chồng giảm giá”, đại diện nhà bán lẻ này chia sẻ.

Bài và ảnh: CHÂU ANH

;
.
.
.
.
.