.

Hiệu quả chuyển giao kỹ thuật ở Hòa Ninh

.

Những năm qua, Hội Nông dân xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) và các cơ quan chức năng tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, để giảm chi phí và đạt năng suất cao hơn.

Giàn bí đao chanh của vợ chồng anh Phạm Thương (ở thôn Sơn Phước).
Giàn bí đao chanh của vợ chồng anh Phạm Thương (ở thôn Sơn Phước).

1 vụ lúa, 1 vụ đậu xanh

Ở Hòa Ninh, từ bao đời nay, người nông dân trồng lúa bằng nước trời với nhiều yếu tố rủi ro, nhất là vụ hè thu thường mất mùa do nắng hạn. Sau đó, Hội Nông dân xã đã vận động bà con sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân, chuyển sang sản xuất đậu xanh thay cho vụ lúa hè thu. Đậu xanh phát triển rất tốt trên đất lúa và tận dụng lượng phân bón thừa trong việc chăm sóc lúa đông xuân, nên đạt năng suất khá cao. Ông Lê Duy Phượng (ở thôn Hòa Trung) cho biết, đậu xanh có thời gian sinh trưởng và sản lượng xấp xỉ lúa, nhưng giá trị cao hơn từ 2-3 lần. Cụ thể, đậu xanh hiện có giá 6.000 đồng/kg, trong khi lúa chỉ 2.500 đồng/kg. Mặt khác, vào vụ hè thu, trời ít mưa, trồng lúa dễ mất mùa (vì lúa ưa nước), còn đậu xanh có khả năng chịu nắng tốt hơn nhiều. “Đậu xanh không chỉ đạt năng suất cao hơn lúa, mà công chăm sóc và chi phí còn ít hơn”, anh Nguyễn Đức Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh khẳng định.

Trồng rau chuyên canh và tre Điền Trúc

Mô hình trồng rau chuyên canh phát triển mạnh trong toàn xã. Với khu vườn rộng hơn 3.000m2, anh Phạm Thương (ở thôn Sơn Phước) canh tác nhiều loại rau ăn lá và rau ăn quả, trong đó riêng bí đao chanh bò giàn mỗi ngày bán được hơn 100.000 đồng. Các loại cà tím, đậu cove, dưa leo, mướp, bắp, rau lang, rau cải quanh năm xanh tốt và thường xuyên có thương lái đến mua. Anh Thương đã đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới nước khắp vườn, nên quanh năm luôn chủ động được nguồn nước tưới. Giỏi áp dụng tiến bộ kỹ thuật cùng với đức tính cần cù, chăm chỉ, vợ chồng anh Thương đã trở thành hộ nông dân điển hình trồng rau chuyên canh, bình quân mỗi tháng thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Ông Phan Đình Thành (ở thôn 1) cũng trồng nhiều loại rau đậu ngắn ngày đạt hiệu quả cao. Trong vườn ông có giàn khổ qua rộng hơn 1.000m2 và 3 sào dưa leo, ngày nào cũng có bán. Với tổng diện tích canh tác gần 5.000m2, mỗi năm ông Thành đạt mức thu nhập từ 150-200 triệu đồng.

Mô hình trồng rau chuyên canh của hai hộ Phạm Thương và Phan Đình Thành đã được Hội Nông dân xã tuyên truyền, nhân rộng, và trồng rau chuyên canh trở thành một mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp ở xã Hòa Ninh.

Bên cạnh đó, được các cơ quan chức năng của huyện và thành phố hỗ trợ, xã Hòa Ninh có gần 40 hộ trồng tre Điền Trúc, một loại tre lấy măng có hiệu quả kinh tế cao. Cả ở những chỗ đá sỏi, cằn cỗi, tre Điền Trúc vẫn phát triển tốt, chỉ cần bón lót nhiều bổi, lá, phân chuồng. Trồng tre Điền Trúc ít tốn đầu tư; sau khi trồng, mỗi năm bón phân, vun đất vào gốc một lần và chỉ khi trời nắng to mới phải tưới nước. Một hecta đất trồng được 200 bụi tre Điền Trúc, bình quân mỗi bụi thu hoạch được từ 20-30kg măng/năm, giá bán từ 7.000-10.000 đồng/kg.

Cây tre Điền Trúc đã giúp hàng chục hộ nông dân Hòa Ninh vượt khó thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ông Phạm Văn Hồng (ở thôn Hòa Trung) là “con chim đầu đàn” trên lĩnh vực này. Lúc đầu, ông Hồng chỉ trồng 0,8 hecta, rồi liên tục mở rộng diện tích, hiện nay đã có 3 hecta tre Điền Trúc, ngày nào cũng có thương lái đến mua.

Ở Hòa Ninh còn có nhiều mô hình sản xuất mới, đạt hiệu quả cao và tạo được việc làm cho nhiều lao động như cơ sở sản xuất chổi đốt của ông Đỗ Thiệt (thôn Sơn Phước), mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của ông Hoàng Nghĩa Thọ (thôn Trung Sơn), trang trại tổng hợp của ông Huỳnh Như Khánh (thôn 5)...

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.