.
HỘI CHỢ VIỆC LÀM

Hút lao động ngoại tỉnh

.

Trong khi lao động là người dân thành phố không mấy mặn mà với các hội chợ việc làm, rất đông sinh viên, lao động là người ngoại tỉnh lại xem đây là cơ hội tốt để tìm việc.

Nguyễn Thị Hương (người đang được phỏng vấn) hy vọng tìm được việc làm khi đã có 3 công ty nhận hồ sơ của cô.
Nguyễn Thị Hương (người đang được phỏng vấn) hy vọng tìm được việc làm khi đã có 3 công ty nhận hồ sơ của cô.

Hơn 50% hồ sơ của người ngoại tỉnh

Hội chợ việc làm diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua tại Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố thu hút rất nhiều người đến tìm kiếm việc làm, tìm hiểu thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Trong đó, số lao động là người ngoại tỉnh đến nộp hồ sơ, xin phỏng vấn chiếm phần lớn. Tại bàn tiếp nhận hồ sơ của Công ty TNHH MTV Công nghệ xử lý nước Hà Lan, các ứng viên đứng đông nghịt chờ đến lượt phỏng vấn. Chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, công ty này đã tiếp nhận 80 hồ sơ xin việc, trong đó hơn 50%  hồ sơ là lao động ngoại tỉnh. Nguyễn Thị Hương (23 tuổi, quê Nam Định) cho biết: “Em vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng, vì không muốn về quê nên ở lại đây xin việc. Từ sáng đến giờ có 3 công ty nhận hồ sơ của em. Người quê em vào đây tìm việc nhiều vì xin việc ở đây dễ hơn ở quê, môi trường sống cũng tốt nữa”.

Không phải là “tân binh” lần đầu tìm việc như Hương, sau 2 năm tốt nghiệp, về quê Quảng Trị gửi đơn khắp nơi nhưng mãi chưa tìm được việc làm, Huỳnh Thị Phương Thảo (25 tuổi) quyết định vào Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội cho mình. “Em tốt nghiệp ngành Quản trị doanh nghiệp nhưng ở quê em ngành này khó xin việc, lại yêu cầu cao về ngoại hình và phải có 5 năm kinh nghiệm trở lên. Nãy giờ có 2 công ty đồng ý phỏng vấn em”, Thảo hồ hởi chia sẻ.

Không chỉ thu hút sinh viên mới ra trường, thị trường lao động ở Đà Nẵng cũng có sức hấp dẫn lớn đối với người ngoại tỉnh - những người đã có thâm niên công tác lâu năm tại nhiều tỉnh, thành phố khác. Anh Trần Thanh Tư (35 tuổi, quê ở Quảng Bình) có thâm niên gần 10 năm trong nghề xây dựng nhưng do công ty cũ ở Quảng Bình làm ăn thua lỗ nên anh quyết tâm vào Đà Nẵng tìm việc làm mới.

Ở một góc khác, quầy tuyển dụng của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ D&D cũng là một trong những đơn vị có nhiều người lao động đến nộp đơn xin việc (với hơn 70 bộ hồ sơ) mặc dù công ty chỉ cần tuyển 3 lao động phổ thông, 1 kế toán và 2 trung cấp xây dựng dân dụng. Chị Lê Thị Khánh Chi, Trưởng Phòng Nhân sự của công ty cho biết: “Lao động ngoại tỉnh chiếm hơn 60% số lượng hồ sơ mà tôi tiếp nhận, chủ yếu đến từ các tỉnh, thành phố lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi...”.

Áp lực với cơm, áo, gạo, tiền

Lý giải về việc các hội chợ việc làm thường hút lao động ngoại tỉnh hơn lao động ở Đà Nẵng, anh Nguyễn Hữu Sang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ xử lý nước Hà Lan cho rằng, người lao động khi đến thành phố thường có nhiều cơ hội tìm việc làm trong khi yêu cầu của doanh nghiệp không quá cao. Người lao động ngoại tỉnh bị áp lực rất lớn về chuyện cơm, áo, gạo, tiền nên họ không quá coi trọng chuyện lựa chọn công việc, trong khi rất nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng đến hội chợ việc làm chỉ với tâm lý dạo chơi, tìm hiểu và so sánh mức lương, chế độ ưu đãi của doanh nghiệp. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều doanh nghiệp đã ưu tiên nhận lao động ngoại tỉnh. “Công ty tôi hiện có rất nhiều lao động đến từ các tỉnh, thành phố lân cận. Họ không những không thua kém về trình độ mà còn rất cần cù, chịu khó”, chị Lê Thị Khánh Chi, Trưởng Phòng Nhân sự của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ D&D nói.

Trong khi đó, với kinh nghiệm nhiều năm huy động thanh niên tham gia hội chợ việc làm do thành phố tổ chức, anh Nguyễn Văn Phước, Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang cho rằng, lý do chính khiến lao động ở nông thôn (nhất là thanh niên) không mấy mặn mà với hội chợ việc làm vì họ đã trải qua nhiều lần gửi hồ sơ nhưng không được nhận. Thay vào đó, họ thường chủ động xin việc tại các khu công nghiệp với xác suất có việc làm lớn hơn.

Ông Nguyễn Pháo, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố Đà Nẵng cho biết: “Số lao động ngoại tỉnh đến tìm kiếm việc làm ở các Hội chợ việc làm chiếm hơn 40%, chủ yếu làm việc ở ngành nghề may mặc. Ưu điểm của lực lượng này là sẵn sàng chấp nhận công việc, trong khi lao động là người dân thành phố lại ưu tiên tìm việc theo sở thích và thu nhập phù hợp, nên họ lựa chọn vào thành phố Hồ Chí Minh tìm việc thay vì ở Đà Nẵng”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.