Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) được ví von là con đường “tơ lụa” khu vực Đông Nam Á. Là điểm cuối của EWEC, giữa Đà Nẵng và EWEC có sự tương tác lớn và chặt chẽ, tạo cơ hội thuận lợi cho Đà Nẵng trong chiến lược phát triển kinh tế giao thương với các nước trong khu vực.
Hội chợ quốc tế Thương mại và Du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây năm 2012. |
Tháo gỡ nút thắt
EWEC có chiều dài 1.450km đi qua lãnh thổ 4 nước trong khu vực Đông Nam Á (Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam). Ở Việt Nam, EWEC bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) chạy dọc theo đường 9 về quốc lộ 1A ở Đông Hà, vào Thừa Thiên - Huế, qua đường hầm Hải Vân đến Đà Nẵng.
Mặc dù hạ tầng giao thông đã kết nối thành công nhưng còn quá nhiều việc phải làm mới có thể biến EWEC thành một hành lang kinh tế đích thực. Điều bất cập lớn hiện nay là EWEC vẫn còn vướng những hạ tầng mềm rất nhiêu khê như chưa có sự thống nhất trong các thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo hướng “một cửa”, một điểm dừng trên toàn tuyến; các phương tiện vận tải khi đi vào các nước trong vùng vẫn phải được sự hướng dẫn vì “tay lái nghịch” không thuộc thông lệ của mỗi nước, một số cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu...
Những vướng mắc này đã gây phiền hà cho các nhà đầu tư, cho sự lưu thông hàng hóa và hành khách trên tuyến, làm tăng chi phí và lãng phí thời gian, tiền bạc của các doanh nghiệp. Ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty lữ hành Vitours cho biết: “Hiện tại, hệ thống dịch vụ trên tuyến EWEC chưa đáp ứng được nhu cầu của khách, thiếu các dịch vụ về đêm, số lượng phương tiện vận chuyển tăng nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, làm giảm lượng khách, sự hấp dẫn và tính ổn định của tuyến du lịch”. Với những vướng mắc cần được tháo gỡ, tại Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại EWEC lần thứ nhất tại Quảng Trị (5-2012) đã thống nhất tiêu chí “Đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả” trên toàn tuyến là mấu chốt để EWEC phát triển và hội nhập toàn diện.
Cơ hội cho Đà Nẵng
Đà Nẵng được xem là điểm cuối của tuyến đường “tơ lụa” này, đã “đi tắt đón đầu” nhiều cơ hội phát triển kinh tế, với những lợi thế tiềm năng của một thành phố đầu tàu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo bước đột phá để “cất cánh”. Theo tính toán của các chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Đà Nẵng có lợi thế phát triển đến 100% trên EWEC. Dự báo, với thực tế EWEC như hiện nay (mới có hơn 40km có thể chạy xe tốc độ cao), GDP của Đà Nẵng có thể tăng thêm 1% vào năm 2025, còn nếu như xây dựng đường cao tốc EWEC, con số này sẽ là 1,13% (Savannakhet - Lào 1,02%, Mukdahan - Thái Lan 1,08%). Việc thuận lợi về thủ tục hải quan sẽ giúp cho GDP của Đà Nẵng đến năm 2025 tăng 2,29% so với 1,71% của Savannakhet và 1,40% của Mukdahan. Đà Nẵng cũng chiếm số 1 về tăng thu nhập bình quân đầu người ở miền Trung dưới tác động của EWEC với mức tăng 128,6% vào năm 2025.
Có nhiều việc phải làm nhưng trước mắt, cần xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm logistics trên EWEC, tiến tới thành lập “Hiệp hội logistics Đà Nẵng”. Tại hội chợ EWEC tổ chức từ ngày 17 đến 21-8 vừa qua tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Các giải pháp phát triển dịch vụ logistics, du lịch và cơ hội đầu tư trên tuyến EWEC” đã giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về cơ chế, chính sách hải quan của mỗi nước, hiện trạng dịch vụ logistics để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, hành khách trong EWEC, tạo điều kiện cho việc lưu thông được thuận lợi và hiệu quả. Ông Trần Vĩnh Thịnh, Trưởng phòng Logistics Công ty CP Vinatrans Danang, cho biết: “Thành phố cần có chính sách ưu đãi về cơ chế, đất đai để các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực logistics có thể tham gia vào việc xây dựng kho bãi lưu giữ và phân phối hàng hóa, góp phần vào việc cung ứng dịch vụ logistics một cách tốt hơn”. Nếu dịch vụ logistics được đầu tư đúng mức sẽ tạo cho Đà Nẵng những “đòn bẩy” để phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành du lịch Đà Nẵng, trên cơ sở đơn giản hóa các thủ tục, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, hợp tác chặt chẽ với các địa phương trên toàn EWEC và các địa phương lân cận để khai thác triệt để các lợi thế và hạn chế các bất lợi của nhau.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN