.
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm (1992-2012)

Dấu ấn khó phai

.

Thành lập ngày 12-9-1992 theo Quyết định số 2720/ QĐ-UB của UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN), Trung tâm Khuyến nông QN-ĐN có nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ KHKT về lĩnh vực nông nghiệp cho nông dân toàn tỉnh. Đây là đơn vị khuyến nông đầu tiên trên phạm vi cả nước vào thời điểm đó. Sau khi chia tách tỉnh QN-ĐN, ngày 5-2-1997, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm (TTKNNL) thành phố Đà Nẵng ra đời. Đến nay, trung tâm có 5 phòng chức năng và 1 trại trực thuộc với 31 CBCNV, đa số trình độ đại học và trên đại học.

Lúa đạt năng suất cao nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Lúa đạt năng suất cao nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Cách đây khoảng chục năm, gia đình ông Đỗ Tuyến, ở thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) rất nghèo. Đất vườn, đất nà ven sông rộng hơn một ha nhưng chỉ trồng khoai, đậu, vụ được vụ mất, thu nhập quá ít ỏi. Thế mà nay, không chỉ thoát nghèo, gia đình ông thuộc diện thu nhập cao nhất nhì thôn Nam Mỹ. Theo ông, có được như ngày hôm nay do TTKNNL mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế vườn. Vào năm 2003, TTKNNL hỗ trợ hơn 100 hom giống tre lấy măng Điền Trúc, đến tận vườn hướng dẫn cách trồng, cách chăm bón. Vài năm, những hom tre mảnh khảnh ấy phát triển thành bụi, măng mọc tua tủa. TTKNNL còn hướng dẫn cách giâm chiết cành làm giống. Thu nhập thực sự cải thiện từ đó. “Đưa măng tre Điền Trúc lên Hòa Bắc, TTKNNL đã tạo cơ hội cho bà con miền núi vươn lên làm giàu. Đến nay, không chỉ gia đình tôi, mà hàng chục hộ đều trồng số lượng lớn. Năm ngoái, từ hơn 600 bụi tre, tôi thu 11 - 12 tấn măng tươi, xuất bán 2.500 hom giống, thu nhập khoảng 75 - 80 triệu đồng. Năm nay sẽ mở rộng diện tích trồng tre lên vài ba sào nữa và nâng sản lượng hom giống lên 4.500 - 5.000 cây”, ông Tuyến cho biết.

Có thể nói, trong nhiều loại cây trồng TTKNNL chuyển giao cho nông dân, tre lấy măng Điền Trúc đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực nhất. Đến nay, không ít nơi tre lấy măng phủ kín vườn tược, bờ khe, bờ suối và các nà bãi ven sông. Thống kê sơ bộ, hiện Đà Nẵng có khoảng 30 nghìn bụi tre Điền Trúc cho thu hoạch, mỗi năm đưa ra thị trường từ 450 - 500 tấn sản phẩm.

Chỉ 8 ha ao hồ, nhưng 32 hộ ở thôn Nam Thành, xã Hòa Phong (Hòa Vang) đã vươn lên làm giàu từ nuôi cá nước ngọt. Khi CLB nuôi cá ra đời, người ta gọi Nam Thành là làng cá. Thực tế, hoạt động nuôi cá được người dân triển khai từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước, nhưng họ chỉ nuôi quảng canh, năng suất vài tấn/ha/năm là nhiều. Làng cá thực sự khởi sắc khi cán bộ khuyến ngư đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ con giống, vật tư để bà con nuôi thâm canh. Nay nhiều hộ đạt năng suất 10-15 tấn/ ha/ năm, cá biệt có hộ nuôi cá trê lai đạt hơn 20 tấn/ ha/ năm. Không giấu nổi niềm vui sau mấy vụ trúng đậm, ông Nguyễn Trí, Chủ nhiệm CLB nuôi cá Nam Thành cho biết: “Vẫn nguồn nước từ hồ Đồng Nghệ về, vẫn ao hồ đó, áp dụng tiến bộ KHKT, năng suất cao hơn hẳn. Bà con ở đây ghi nhận sự quan tâm hỗ trợ của TTKNNL”.

Không chỉ ở Nam Thành, phong trào nuôi trồng thủy sản quy mô thâm canh đã phát triển rộng khắp trên địa bàn nông thôn, nơi nào cũng in đậm dấu ấn công tác khuyến ngư. Ở thôn Trường Định (xã Hòa Liên), năng suất tôm thẻ chân trắng đã đạt mức kỷ lục hơn 10 tấn/ha/năm, điều mà dăm bảy năm trước chỉ có trong mơ ước của chủ hồ tôm. “Có được thành quả này, công lao lớn nhất phải kể đến là TTKNNL. Chính họ đã hướng dẫn rất tỉ mỉ cách chọn con giống, xử lý ao hồ, chăm sóc… cho bà con”, ông Hồ Văn Hai, một chủ hồ tôm ở Trường Định cho biết.

20 năm - thời gian đủ dài để những người làm công tác khuyến nông tạo nên giá trị mới cho cây trồng, vật nuôi và để lại dấu ấn khó phai trong sản xuất của nông-ngư dân. Bằng sự hiểu biết và khát khao cống hiến, bao thế hệ cán bộ kỹ thuật không quản nắng mưa, vất vả, đồng hành cùng nông-ngư dân trong sản xuất. Trung tâm đã tổ chức 1.300 lớp tập huấn kỹ thuật cho khoảng 80 nghìn lượt người. Đó là chưa kể hàng nghìn lượt cán bộ khuyến nông, khuyến ngư trực tiếp hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc, ngay trên đồng ruộng, vườn tược, ao hồ. Với tổng kinh phí 18 tỷ đồng, trung tâm đã triển khai hàng trăm mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Những mô hình này không chỉ khẳng định ưu thế về năng suất, chất lượng, mà giúp nông dân mạnh dạn đầu tư quy mô lớn. Từ hơn 100 giống lúa đưa vào sản xuất trình diễn, trung tâm đã chọn 10 giống tiêu biểu, nay là bộ giống chủ lực trên đồng ruộng Đà Nẵng. Cùng theo đó, với nguồn vốn đầu tư từ Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư quốc gia và của thành phố, trung tâm đã thực hiện 7 dự án phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho hàng nghìn hộ ở vùng trung du, miền núi vươn lên xóa nghèo, làm giàu.

Nếu như 20 năm trước, thu nhập 30 - 40 triệu đồng/ha canh tác đã là điển hình, thì nay thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ha khá phổ biến. Riêng nuôi trồng thủy sản thu nhập hơn 1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm là thường. Cũng nhờ vậy, mặc dù diện tích canh tác, nuôi trồng thủy sản giảm nhiều so trước đây, nhưng sản lượng lương thực, thực phẩm và các loại hải sản nuôi trồng đều tăng. Trong đánh bắt thủy sản, việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, lắp đặt trang bị các máy móc hiện đại, hầm bảo quản hải sản đúng tiêu chuẩn đã tạo cơ hội cho ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt, thu nhập tăng so với trước từ 1,2 đến 1,5 lần.

Là người nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp, ông Huỳnh Văn Thới, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, rất phấn khởi khi sản xuất của nông dân liên tục tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật do TTKNNL chuyển giao. “Không chỉ đơn thuần chuyển giao tiến bộ KHKT, mà trung tâm còn phối hợp với địa phương triển khai hàng loạt mô hình điểm rất hiệu quả. Chính hoạt động khuyến nông, khuyến ngư này đã làm chuyển biến cơ bản năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và thu nhập của nhà nông”, ông Thới cho biết.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.