.

Nghịch lý nuôi gà

.

Đã có một thời trên cả nước cũng như Đà Nẵng rất nhiều người háo hức đầu tư công sức, tiền của nuôi gà theo mô hình trang trại. Thế nhưng thời gian gần đây, số trang trại “rơi rụng” rất nhanh, số còn lại cũng đang ngoắc ngoải vì thua lỗ.

Nuôi gà theo kiểu thả rông trong vườn đang là lựa chọn của nhiều người dân.
Nuôi gà theo kiểu thả rông trong vườn đang là lựa chọn của nhiều người dân.

Khoảng gần 10 năm trước ở thời điểm phát triển nhất, tại Đà Nẵng có trên 50 trang trại nuôi gà với quy mô từ vài chục ngàn con trở lên, còn số chăn nuôi quy mô nhỏ vài trăm đến vài ngàn con thì vài trăm hộ. Theo những người chăn nuôi gà tính toán, nếu trừ hết chi phí, thường mức lãi ổn định từ 25-30%, trong khi dịch bệnh ít khi xảy ra. Cũng vì hấp dẫn từ nguồn thu nhập này mà chỉ trừ hai quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê không có những trang trại nuôi gà quy mô lớn, còn lại các địa phương khác đều rất nhiều người tổ chức nuôi gà, tập trung nhiều nhất ở Hòa Vang. Tại các xã như Hòa Phú, Hòa Khương có đến vài chục trang trại nuôi gà quy mô lớn, các xã còn lại với lợi thế về địa hình gò đồi nên rất nhiều người dân nuôi gà quy mô nhỏ hơn.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, số trang trại còn tồn tại chỉ đếm trên đầu ngón tay, số lượng đàn gà cũng giảm đáng kể. Theo các chủ trang trại cho biết, việc liên tục 6 tháng gần đây giá gà công nghiệp trên thị trường giảm, thậm chí rất rẻ, cùng với các chi phí đầu vào như thức ăn, điện, giá nhân công... đều tăng, khiến cho việc giữ số lượng đàn đã khó, nói gì đến việc tăng số lượng đàn gà. Đặc biệt, 2 lần giảm giá gần đây nhất khiến cho giá thịt gà giảm mạnh, chưa đến 35 ngàn đồng/kg tại chuồng. Một con gà con 15 ngàn đồng, đến thời điểm xuất chuồng bán tiêu tốn khoảng 2kg thức ăn, với giá 11 ngàn đồng/kg bột, cộng với chi phí điện, nước, nhân công, không lỗ là may. Ngay như tại Công ty TNHH Đồng Nghệ (xã Hòa Khương), là một trong những trang trại hiếm hoi thời gian qua không những không giảm số lượng gà mà đã tăng từ 40 ngàn con lên 50 ngàn con cũng cho rằng rất khó khăn. Theo đại diện của công ty này thì so với năm 2007, thời điểm công ty mới thành lập, trung bình mỗi tháng chỉ tốn 25 triệu đồng tiền điện, nay đã tăng lên 35-40 triệu đồng, trong khi đó tiền nhân công và tiền thức ăn đều tăng thêm khoảng 15% nữa. Vì vậy, công ty tồn tại được chính là nhờ làm đối tác với Công ty CP chăn nuôi Việt Nam để họ lo bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên cũng tỏ ra băn khoăn: “Trước đây và bây giờ cũng vậy, Hòa Liên không có trang trại nuôi gà nào, tuy nhiên khá nhiều hộ dân nuôi gà thả rông với số lượng một vài trăm con. Và đó là nguồn thu ổn định của nhiều hộ. Tuy nhiên, trước tình trạng giá thức ăn liên tục tăng, đặc biệt là lo dịch xảy ra, giờ người dân chỉ nuôi vài chục con”. Còn chị Phan Thị Sơn ở tổ 4 xã Hòa Liên cho biết thêm: “Trước đây tôi là cán bộ phụ nữ của thôn nên cũng thường tuyên truyền chị em nuôi thêm đàn gà để tăng thu nhập, nhưng gần đây không dám tuyên truyền nữa vì gà hay chết, nhất là giá thức ăn tăng nhiều, nuôi không có lãi nên chỉ nuôi thả vườn vài chục con để khi nào cần thì bán lấy tiền”.

Hiện nay, nhiều gia đình ở Hòa Vang nuôi gà thả rông trong vườn, bổ sung thức ăn bột. Theo bà Lê Thị Hiền ở thôn Tân An, xã Hòa Phong, nuôi gà kiểu này là “chắc” nhất và lãi cũng nhiều nhất. Do tận dụng thức ăn thừa và gà tự kiếm thức ăn trong vườn, trong khi giá gà ta từ 85 đến 100 ngàn đồng/kg, nên có lợi hơn nhiều so với gà công nghiệp.

Người chăn nuôi đang từ bỏ dần quy mô nuôi công nghiệp để trở về nuôi nhỏ lẻ truyền thống. Nghịch lý này ai có thể giải cho người dân?

Bài và Ảnh: THANH VÂN
 

;
.
.
.
.
.