Lần đầu tiên tại Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản triển khai dự án Hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất vừa và nhỏ của Đà Nẵng sẽ có cơ hội được tham gia, hưởng lợi từ dự án này.
Công ty CP Cao su Đà Nẵng sẵn sàng mọi điều kiện để tham gia dự án. |
Doanh nghiệp “tự bơi”
Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, công nghiệp phụ trợ xuất phát từ sự chín muồi của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) từ các trường đại học. Các công trình nghiên cứu của các trường đại học được đưa vào ứng dụng sản xuất làm nền tảng chắc chắn cho công nghiệp phụ trợ phát triển, đáp ứng được yêu cầu làm vệ tinh cho các ngành công nghệ cao. Trong khi ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, hoạt động R&D còn rất sơ khai, các ngành công nghệ cao chưa có nên các DN ít có điều kiện được tư vấn và hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ.
Một số ít DN có sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Đà Nẵng đang gặp khó khăn về hướng đi và đầu ra. DN không biết làm thế nào để có thể tiếp cận và đủ điều kiện trở thành đối tác của các nhà đầu tư nước ngoài. Bà Hoàng Thị Hồng Nhạn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX, XD&TM Khải Phát chuyên sản xuất mặt hàng cơ khí cho biết, đơn vị đã không được ưu đãi nào của Nhà nước mà còn khó tiếp cận vốn vay, các mặt hàng của công ty đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng chủ yếu để xuất khẩu, tiêu thụ nội địa còn ít. Không chỉ một vài doanh nghiệp gặp khó khăn tương tự mà đây là tình hình chung cả nước. Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, khẳng định: “Cho đến nay, trong cả nước chưa có DN nào được hưởng chính sách ưu đãi về công nghiệp phụ trợ vì thực tế các chính sách này không có gì cụ thể. Như vậy, quy hoạch về phát triển công nghiệp phụ trợ của cả nước coi như thất bại và Bộ Công thương sẽ hoàn thành quy hoạch mới vào năm 2013. Nếu Đà Nẵng muốn thu hút dự án công nghệ cao thì phải có chính sách ưu đãi hỗ trợ và khuyến khích đầu tư công nghiệp phụ trợ công nghệ cao kể cả trong nước và nước ngoài ngay từ bây giờ”.
Hướng đi mới
Trên tinh thần hợp tác giữa hai Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ để tăng mức cung ứng địa phương cho các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Đã có 29 DN ở TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương tiếp nhận và hoàn tất chương trình hỗ trợ và dự án đang tiếp tục triển khai cho 22 DN khác, chuẩn bị hướng đến khu vực miền Trung vào quý 4 năm nay. Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ miễn phí để các DN vừa và nhỏ của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc cải tiến chất lượng, chi phí, thời gian giao hàng, để có khả năng trở thành nhà cung cấp phụ tùng chuyên nghiệp cho các công ty sản xuất của Nhật Bản tại Việt Nam trong các ngành ô-tô, xe máy, điện, điện tử, cơ khí. Đối tượng dự án là các DN Việt Nam hoặc DN Việt Nam liên quan với nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công chi tiết cơ khí, phụ tùng chính xác, đúc kim loại, khuôn mẫu, ép nhựa... Thời gian hỗ trợ từ 3 - 6 tháng, sau đó tiếp tục theo định kỳ để theo dõi việc duy trì cải tiến của DN.
Ông Yabe Hirohito, Tình nguyện viên cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, hiện trạng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện trong các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam chỉ chiếm 22,4%, thấp hơn nhiều so với tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Dự án nói trên nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ, chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN vào năm 2015 và tiến tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Cách làm của dự án là trên cơ sở đề xuất của Sở Công thương thành phố, dự án sẽ tự khảo sát và phỏng vấn DN qua điện thoại để thẩm định đúng nhu cầu và năng lực, sau đó trực tiếp hỗ trợ tại nhà máy sản xuất của DN. Trước mắt, để được hưởng lợi từ dự án, tạo sức lan tỏa phát triển công nghiệp phụ trợ, các DN vừa và nhỏ của Đà Nẵng chuyên sản xuất những ngành nghề nằm trong danh mục của dự án phải chủ động đề xuất với Sở Công thương thành phố, sẵn sàng năng lực để được tham gia vào dự án, trở thành bộ phận của chuỗi cung ứng nguyên liệu, linh kiện cho các DN Nhật Bản.
Bài và ảnh: THU PHƯƠNG